Bán đảo Sơn Trà được mệnh danh là cánh rừng già duy nhất ở Việt Nam nằm trong lòng thành phố với giá trị sinh học rừng, biển rất phong phú. Khu vực này là một phần của vùng sinh thái Trường Sơn - một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu, là nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật độc đáo… Theo các chuyên gia, Sơn Trà có 985 loài thực vật và 287 loài động vật có xương sống ở trên cạn (36 loài thú, 106 loài chim, 23 loài bò sát, 113 loài động vật không xương sống).
Bán đảo Sơn Trà là hệ sinh thái khép kín với 4 kiểu rừng phân theo độ cao từ trên xuống dưới, tạo môi trường sống lý tưởng cho các loài sinh vật. Trên bán đảo có các loài chim đặc hữu bản địa như bói cá, hút mật, gà lôi, gà rừng, gà nước, sơn ca...
Với tổng diện tích vào khoảng 4.400ha, bán đảo Sơn Trà còn khoảng 20 đàn với khoảng 300 đến 350 cá thể voọc chà vá chân nâu. Với đặc trưng 5 màu, Voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là Chà vá chân đỏ hoặc Voọc ngũ sắc) được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng. Với khoảng 83% số lượng voọc trong thiên nhiên của thế giới sinh sống, hệ sinh thái tại bán đảo Sơn Trà sẽ là một điểm nhấn để thu hút du lịch sinh thái, khám phá.
Dựa trên các lợi thế hệ sinh thái rừng, biển đa dạng, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà đã xây dựng các chương trình phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí, ngắm cảnh của người dân và du khách đến Bán đảo Sơn Trà như: vòng quanh bán đảo Sơn Trà; lên rừng xuống biển; lặn ngắm san hô và câu cá cùng ngư dân; ngắm động vật hoang dã.
Theo Quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng phấn đấu trở thành Khu du lịch quốc gia (DLQG) trước năm 2025; đến năm 2030, khu DLQG Sơn Trà sẽ trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, đặc sắc của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước; là một điểm đến quan trọng trên tuyến đường du lịch đường bộ và đường biển quốc gia.
Khu DLQG Sơn Trà sẽ phát triển trên cơ sở khai thác hợp lý thế mạnh về tài nguyên biển, rừng, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng biển cao cấp phục vụ thị trường có khả năng chi trả cao và du lịch văn hóa-tâm linh. Việc phát triển góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân Đà Nẵng.
Đồng thời, Khu DLQG Sơn Trà còn phải bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên rừng, biển và phòng chống thiên tai.
Trước đó, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án Bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù gồm các loài, nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học theo hướng bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường của thành phố...
Theo đó, xây dựng lộ trình để nghiên cứu, đề xuất nâng cấp, đầu tư phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên hiện trạng như: Bà Nà - Núi Chúa, Sơn Trà, Nam Hải Vân; nâng hạng hoặc thành lập mới các khu bảo tồn của thành phố theo hướng trở thành vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển... theo các tiêu chí quốc gia; hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách quản lý các khu bảo tồn trên cạn và dưới nước của thành phố; xây dựng, thực hiện và nhân rộng các mô hình, chương trình, dự án về bảo tồn và phát triển có hiệu quả các nguồn gen có giá trị...
Trong thời gian tới, thành phố Đà Nẵng hướng tới mục tiêu phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học trong phát triển du lịch bền vững tại bán đảo Sơn Trà. Quan điểm của thành phố về bán đảo Sơn Trà là phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa tâm linh.
Thảo Anh