Đây là hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam giao về việc nghiên cứu “Giải pháp phát triển loại hình du lịch giáo dục tại Việt Nam”. Hội thảo đã có sự tham dự của khoảng 100 đại biểu, trong đó có gần 50 đại biểu tham dự trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu về giải pháp phát triển du lịch giáo dục Việt Nam; qua đó cũng nhận định du lịch giáo dục là một trong những loại hình đang thu hút sự quan tâm của xã hội.
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu của Viện Phát triển Du lịch đã trình bày nghiên cứu với các nội dung chính như: tổng quan cơ sở lý luận về du lịch giáo dục; các yếu tố ảnh hưởng đến du lịch giáo dục; kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam; hiện trạng phát triển du lịch giáo dục ở Việt Nam về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, thị trường sản phẩm, tổ chức quản lý, nhân lực, điểm đến du lịch giáo dục…; định hướng và giải pháp phát triển loại hình du lịch giáo dục tại Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Lan Hương - Trưởng phòng TTSP&QLKH Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch - Chủ nhiệm nhiệm vụ, để phát triển du lịch giáo dục tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các định hướng: nghiên cứu thị trường, phát triển du lịch giáo dục quốc tế; phát triển sản phẩm phù hợp với phân khúc thị trường; phân đoạn thị trường mục tiêu; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương; xây dựng quan hệ liên kết hợp tác với các tổ chức giáo dục; tiếp thị và quảng bá. Theo đó, các giải pháp đưa ra cần giải quyết các vấn đề về cơ chế chính sách, quản lý phát triển du lịch giáo dục; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận; đa dạng hóa sản phẩm du lịch giáo dục theo chủ đề và đối tượng khách hàng; đa dạng hoạt động trải nghiệm thực tế; tăng cường hợp tác quốc tế và liên kết các bên liên quan; quảng bá và tiếp thị hiệu quả sản phẩm du lịch giáo dục; phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch giáo dục.
Nhiều nội dung cũng được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đơn vị tổ chức sự kiện trao đổi và đóng góp ý kiến tại hội thảo như: phát triển du lịch giáo dục - rào cản và định hướng trong thời kỳ mới; tăng cường trải nghiệm trong sản phẩm du lịch giáo dục; nâng cao nhận thức để tuyên truyền lợi ích của loại hình du lịch giáo dục… Đặc biệt, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần phân định rõ du lịch giáo dục với du lịch có tính giáo dục, bởi hiện nay hầu hết các loại hình du lịch đều có tính giáo dục trong đó. Nhiều chuyên gia cũng nhận định đội ngũ HDV hiện nay thực chất chưa đáp ứng được nội hàm của du lịch giáo dục, để phát triển du lịch giáo dục cũng cần đấy mạnh nguồn nhân lực có chuyên môn để phục vụ cho du lịch giáo dục, bên cạnh đó cần có đội ngũ các chuyên gia du lịch để giảng bài cho các đối tượng khách tham gia du lịch giáo dục.
Bàn về những vấn đề rào cản đối với du lịch giáo dục, PGS.TS Nguyễn Đức Thắng - Trưởng Khoa Du lịch Trường Đại học Công nghệ Đông Á - Tổng Thư ký Liên chi hội Đào tạo Du lịch nhận định: Hiện du lịch giáo dục đang len lỏi vào tất cả các loại hình du lịch, làm thế nào để du lịch giáo dục có nét riêng của nó. Du lịch giáo dục ở Việt Nam hiện tại chủ yếu là cho học sinh, sinh viên nhưng còn đại trà, phong trào mà chưa thực sự chuyên nghiệp, chuyên sâu về mặt học thuật hay chủ đề cụ thể… Nguồn nhân lực cho dulịch giáo dục còn hạn chế; các điểm du lịch giáo dục còn thiếu hấp dẫn, thiếu đầu tư bài bản, có sự tham gia bởi các nhà giáo dục khoa học. Bên cạnh đó, còn thiếu doanh nghiệp chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch giáo dục, thiếu các công ty lữ hành chuyên bán sản phẩm du lịch giáo dục.
Hiện nay, một số điểm du lịch phục vụ các hoạt động du lịch giáo dục được kể đến như: Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Làng cổ Đường Lâm, Khu du lịch Quảng Ninh Gate… và nhiều điểm bảo tàng, di tích khác. Tuy nhiên các ý kiến chuyên gia cũng nhận định, các di tích, bảo tàng, các điểm du lịch giáo dục vẫn còn hạn chế, còn tự phát, chưa cung cấp được chuyên sâu về mặt học thuật cho du lịch giáo dục… cần được nghiên cứu để đưa ra những giải pháp tổng thể hơn, hoặc những mô hình đã có cần quảng bá sâu rộng hơn.
Để phát triển du lịch giáo dục, ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng: cần thúc đẩy điểm đến du lịch giáo dục; có sản phẩm du lịch tốt, và tăng cường trải nghiệm cho du khách. Cụ thể, sản phẩm du lịch tốt cần đáp ứng nhu cầu của du khách, mang tính độc đáo, trải nghiệm thú vị, giáo dục, đa dạng sáng tạo… trong đó, trải nghiệm thú vị là cách thức để thúc đẩy phát triển du lịch giáo dục. Đặc biệt, ông Phùng Quang Thắng nhấn mạnh đến ích lợi của việc tăng cường trải nghiệm trong sản phẩm du lịch giáo dục như: tăng trải nghiệm thực tế (thực hành, tương tác); áp dụng phương pháp học tập trong tour (mini games, kể chuyện); tăng cường trải nghiệm trong cộng đồng (du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, nông nghiệp); tăng cường trải nghiệm du lịch thông qua lớp học (mỹ thuật, âm nhạc, biểu diễn, thể thao, nấu ăn, chủ đề giáo dục về văn hoá, lịch sử, khảo cổ, công nghệ, kỹ thuật, ngôn ngữ...); tăng cường trảo nghiệm thông qua sự kiện (trại hè kết hợp du lịch và giáo dục, dã ngoại kết hợp với hội nghị, khoá học ngắn, lễ hội kết hợp giáo dục, hợp tác quốc tế, trao đổi khoá học, triển lãm giáo dục, thể thao...); tăng cường trải nghiệm qua ứng dụng công nghệ (VR, AI, các trò chơi điện tử về văn hoá, lịch sử...).
Chia sẻ về phát triển mô hình nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp với du lịch giáo dục tại khu du lịch Quảng Ninh Gate tại xã Đông Triều, Quảng Ninh, ThS. Nguyễn Thị Trang – Khu du lịch Quảng Ninh Gate cho biết: Quảng Ninh Gate luôn bám sát nhu cầu thị trường, với hệ thống chương trình du lịch trải nghiệm phục vụ 70% lượng khách là học sinh, sinh viên. Các hình thức tổ chức du lịch trải nghiệm đa dạng như: tổ chức trò chơi, sân khấu tương tác, tham quan dã ngoại, hoạt động thực tiễn, hội thi, teambuilding, hoạt động câu lạc bộ, diễn đàn, tọa đàm, hội thảo… Trong 6 năm hoạt động, Quảng Ninh Gate bình quân đón 400.000-500.000 khách/năm, chủ yếu vẫn là thị trường khách nội địa. Đại diện Quảng Ninh Gate cũng chia sẻ còn tồn tại nhiều khó khăn do hoạt động du lịch ảnh hưởng rất nhiều bởi một số quy định của ngành giáo dục; khó khăn trong việc xây dựng chương trình hoạt động; vấn đề thời vụ... tư tưởng là chuyến đi chơi nên chưa tháo gỡ...
Về định hướng thị trường khách quốc tế cho du lịch giáo dục, ý kiến của một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế cho rằng: nội dung hội thảo là tiền đề để các doanh nghiệp lữ hành quốc tế nghiên cứu cùng các trường học để ra những sản phẩm đưa vào các trường học nước ngoài, nhằm trao đổi khách về Việt Nam, góp phần thúc đẩy du lịch giáo dục phát triển. Mặt khác, một số đơn vị tổ chức các hoạt động du lịch giáo dục kỹ năng sống cho học sinh sinh viên cho biết hiện tại khách hàng chủ yếu là các trường quốc tế, các trường công chưa có chính sách tổ chức nhiều hoạt động tương tự, do đó cần dung hòa nhắm góp phần thúc đẩy du lịch giáo dục phát triển.
Kết luận hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Hội thảo đã nhận được nhiều những ý kiến đóng góp, qua đó thể hiện sự đánh giá cao chủ đề và nỗ lực của nhóm nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài, cũng như quan tâm đến nội hàm khái niệm du lịch giáo dục. Đối với du lịch giáo dục, nhu cầu nhà trường chỉ là phân khúc hẹp, còn lại là đáp ứng nhu cầu xã hội của tất cả các đối tượng. Sau hội thảo, nhóm nghiên cứu sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến để bổ sung làm rõ các nội dung liên quan khái niệm, thuật ngữ, phạm vi nghiên cứu, đánh giá tiềm năng du lịch giáo dục ở Việt Nam; thực trạng phát triển; tiềm năng cung - cầu; nhìn nhận khó khăn thách thức rào cản, vướng mắc để đề xuất tháo gỡ; định hướng giải pháp phát triển thời gian tới, cùng các khuyến nghị về chính sách… Riêng đối với các doanh nghiệp nhà cung cấp dịch vụ cũng cần khuyến khích nhận diện nhu cầu, sáng tạo sản phẩm du lịch giáo dục, đồng thời có chiến lược ứng phó rủi ro, khủng hoảng...
Hoa Trang