Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cần có thêm cơ chế ưu đãi cho ngành Văn hóa để tăng cơ hội huy động nguồn lực xã hội
Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sĩ Thanh.
Cùng dự các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thuỷ, Đoàn Văn Việt, Hoàng Đạo Cương cùng Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ.
Nhiều điểm sáng của ngành VHTTDL
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết trong thời gian qua, hoạt động của ngành VHTTDL đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, Bộ VHTTDL đã tích cực tham mưu cho Ban Bí thư, Bộ Chính trị và phối hợp với các cơ quan hữu quan của Đảng, Chính phủ tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc vào ngày 24.11.2021. Hội nghị thành công trên nhiều phương diện, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Nhân dân, đội ngũ những người làm văn hóa phấn khởi, coi đây là động lực tiếp sức cho ngành văn hóa trong thời gian tới. Sau hơn một năm thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, nhờ quyết tâm vào cuộc, Bộ VHTTDL nhận thấy quá trình tổ chức thực hiện đã có sức lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực. Sau Hội nghị, 63/63 tỉnh, thành đều nghiêm túc triển khai và có kế hoạch, chương trình Nghị quyết để bổ sung thực hiện. Vì vậy, việc khắc phục, nâng cao nhận thức về văn hóa đã bước đầu có chiều sâu, đạt hiệu quả.
Trong công tác tổ chức sự kiện, Bộ VHTTDL đã chủ động rà soát, tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện VHTTDL mang tính chiều sâu, gắn với sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, tạo nhiều dấu ấn. Điển hình trong năm 2022, Bộ VHTTDL đã tổ chức thành công SEA Games 31 thành công trên nhiều phương diện. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX được tổ chức với quy mô rộng nhất từ trước đến nay, nêu cao vai trò của thể thao quần chúng, tập trung phát triển thể thao thành tích cao. Ngành thể thao thời gian qua cũng có nhiều chuyển động mạnh mẽ.
Đối với du lịch, sau 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, Bộ VHTTDL đã tập trung xác định, cơ cấu và tham mưu, cùng với các ngành để triển khai nhiều hoạt động phát triển du lịch. Trong đó, xác định lấy du lịch nội địa làm bệ đỡ; tranh thủ các thị trường truyền thống để tiếp tục tạo khởi sắc cho du lịch Việt Nam. Số lượng khách du lịch quốc tế dù chưa đạt như kỳ vọng nhưng đã có đóng góp tích cực cho du lịch. Năm 2022 khép lại, du lịch Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu về du lịch nội địa, đạt 101,3 triệu lượt khách; có đóng góp lớn cho kinh tế Việt Nam.
Đối với các lĩnh vực khác Bộ trưởng cho biết, kế thừa kết quả đạt được trong năm 2022, Bộ VHTTDL đã tập trung vào tạo đột phá trong quá trình rà soát lại các vấn đề thể chế. Trong thời gian ngắn, với tư cách là cơ quan soạn thảo, Bộ đã trình Chính phủ và đã được Quốc hội thông qua 2 Luật là Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ngoài ra, Bộ VHTTDL còn phối hợp với các Bộ khác để soạn thảo 2 Luật và ban hành nhiều văn bản pháp luật theo thẩm quyền.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, để có những kết quả trên, Bộ VHTTDL đã xác định đúng, trúng trọng tâm để triển khai hành động. Bộ xác định phải quán triệt các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và đặc biệt chú trọng khâu tổ chức thực hiện theo hướng phải chọn khâu, chọn điểm, lựa chọn nội dung để làm; huy động sức mạnh của tập thể. Việc xác định trúng và đúng chủ đề công tác năm để thực hiện đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Cụ thể trong năm đầu nhiệm kỳ 2021, Bộ VHTTDL đã xác định phải chủ động, tích cực tham mưu, triển khai thực hiện công tác về thể chế, chính sách theo đúng chủ đề năm đã xác định, qua đó tạo nhiều chuyển biến tích cực. Với năm 2022, chủ đề là Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ, Bộ quán triệt bằng nhiều giải pháp đồng bộ là phải tăng cường xây dựng môi trường văn hóa cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ bám sát địa bàn, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa cấp cơ sở. Hoạt động xây dựng môi trường văn hóa trong khu dân cư gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, được đẩy mạnh đã bước đầu mang lại hiệu quả.
Tín hiệu tích cực còn đến khi các Ban, Bộ, ngành xác định xây dựng môi trường văn hóa không chỉ là trách nhiệm của Bộ VHTTDL. Minh chứng là xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí đã được Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức thực hiện. Môi trường văn hóa trong doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ VHTTDL và Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tập trung triển khai. Từ đó, đã có nhiều doanh nghiệp đạt chuẩn về văn hóa, chấp hành nghiêm 2 yêu cầu là thượng tôn pháp luật và thể hiện trách nhiệm với xã hội. Qua đó, hạn chế được tiêu cực, sai phạm trong khối doanh nghiệp, để doanh nghiệp trở thành trái tim của nền kinh tế.
Với những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng khẳng định năm 2023, cùng với tinh thần Đoàn kết - Kỷ cương – Nêu gương - Trách nhiệm, Bộ VHTTDL sẽ tập trung rà soát lại và tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ.
Nhận thức về văn hóa chưa chuyển biến như kỳ vọng
Bên cạnh những điểm sáng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thẳng thắn nhìn nhận ngành VHTTDL vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn. Trong đó, sự chuyển biến nhận thức về văn hóa chưa mạnh, chưa đều. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, luôn coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xãhội, là mục tiêu, động lực phát triển của đất nước. Các Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư... đều khẳng định quan điểm này. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng, nhận thức chung của một số cấp ủy, cấp chính quyền về các nội dung này chưa thật sự sâu sắc và quán triệt, chưa đồng bộ. Biểu hiện có dấu hiệu lệch lạc, coi văn hóa chỉ là cờ, đèn, kèn, trống.
Bộ trưởng cũng cho rằng môi trường văn hóa chưa thật sự vững mạnh để nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn con người. Hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia vẫn chưa được khái quát để nhận diện, triển khai. Vấn đề thể chế, chính sách dù đã được Quốc hội đặc biệt quan tâm và tại Hội thảo Văn hóa 2022, những điểm nghẽn và giải pháp tháo gỡ đã được chỉ rõ nhưng hiệu quả triển khai chưa được như mong đợi.
“Ở một số địa phương, đầu tư cho văn hóa còn nhỏ giọt. Ở những địa phương có nguồn lực tốt, sự quan tâm, đầu tư cho văn hóa đã có nhiều khởi sắc. Nhưng với những địa phương đang cân đối ngân sách, chi cho văn hóa còn nhiều hạn chế trong khi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển lâu dài. Rất nhiều năm, chúng ta mong muốn, nỗ lực để mức chi cho văn hóa là 1,8% tổng chi ngân sách nhưng chưa bao giờ chúng ta làm được”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trăn trở.
Bộ trưởng nêu thêm, huy động các nguồn lực tập trung phát triển lĩnh vực VHTTDL đang bị rào cản bởi một số bộ luật. Trong đó, phải xác định đầu tư công giữ vai trò vốn mồi, là cơ sở kích thích các nguồn lực xã hội. Hợp tác công tư cần được đẩy mạnh, tháo gỡ khó khăn thông qua việc phá bỏ các rào cản pháp lý.
Liên quan đến vấn đề nhân lực, Bộ trưởng cho hay khối lượng công việc của ngành VHTTDL rất lớn, nhiều vấn đề phát sinh nhưng đội ngũ để thực hiện nhiệm vụ bị hạn chế, chưa ngang tầm với yêu cầu đặt ra. Đặc biệt, có thực trạng thiếu hụt cán bộ có chuyên môn sâu, am hiểu sâu sắc ở một số lĩnh vực; việc phát triển văn hóa dân tộc gặp rất nhiều khó khăn…
Bên cạnh khó khăn, Bộ trưởng cho hay ngành VHTTDL đang phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn. Đó là thách thức từ mặt trái, tác động tiêu cực từ nền kinh tế thị trường trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng. Môi trường văn hóa đang diễn biến phức tạp, thiếu lành mạnh, ngoại lai và trái với thuần phong, mỹ tục; có biểu hiện xuống cấp về mặt đạo đức. Nguyên nhân đến từ nhận thức chưa đúng, đủ về văn hóa và đến từ lối sống, môi trường sống. Đây là yếu tố ngành văn hóa đã nhận thức rõ và đang tập trung triển khai khắc phục.
“Thách thức thứ hai là trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa khi đất nước đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, giữa yếu tố văn hóa truyền thống và hiện đại, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại nếu không có cảnh báo đúng đắn, kịp thời. Khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, miền núi - đồng bằng – đô thị và nông thôn đang có sự chênh lệch”, Bộ trưởng nhận định.
Đối với du lịch và các lĩnh vực khác, Bộ trưởng cho biết những lĩnh vực này phát triển phải dựa trên “chất liệu” văn hóa. Mặc dù đã xác định như vậy nhưng sản phẩm du lịch hiện nay đôi khi chưa tập trung vào phương châm này; còn mang tính cổ hủ, chưa chuyên nghiệp và chưa xác định đúng tinh thần 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, bước vào thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới, Bộ VHTTDL và toàn ngành đều ý thức đầy đủ phải tập trung làm rõ những khó khăn, thách thức, tham mưu đúng và trúng cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước; làm sâu sắc hơn quan điểm văn hóa phải dựa trên nhân dân là chủ thể sáng tạo. Đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước.
Trên tinh thần đó, Bộ VHTTDL ngay từ đầu nhiệm kỳ đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch công tác nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị định của Chính phủ đã ban hành trên lĩnh vực này nhằm đóng góp thiết thực nhất vào sự phát triển của đất nước. Theo đó, Bộ VHTTDL đã hệ thống lại toàn bộ quan điểm, Nghị quyết của Đảng từ trước đến nay để làm sâu sắc hơn về mặt nhận thức; thấy rõ hơn tầm quan trọng của các giải pháp phát triển lĩnh vực VHTTDL. Cùng với đó, xem xét kỹ lưỡng các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý để tiếp tục tham mưu, đề xuất và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, có hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL đã tập trung rà soát lại để kịp thời tham mưu cho Chính phủ, báo cáo với Quốc hội và bám sát Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh các nhiệm kỳ để kịp thời tham mưu và rà soát lại những công việc liên quan đến việc hoàn thiện thể chế.
Trong công tác tổ chức sự kiện, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tổ chức tốt các sự kiện VHTTDL cấp quốc gia và khu vực, tạo điểm nhấn; gắn với đó là phát triển môi trường văn hóa cơ sở; đẩy mạnh ban hành hương ước, quy ước, lấy địa bàn dân cư làm trọng tâm, trọng điểm để triển khai các hoạt động. Nhờ sự quyết liệt trong công tác tổ chức thực hiện, Bộ VHTTDL đã nhận được nhiều hơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, sự đồng hành chung của nhân dân.
Ngoài những giải pháp nêu trên, nhằm giúp ngành VHTTDL khơi thông điểm nghẽn, phát triển bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng để xuất Quốc hội tiếp tục rà soát công tác xây dựng luật, pháp lệnh về lĩnh vực VHTTDL. Trong đó, có thêm các quy định theo hướng tăng cường ưu đãi để tăng cơ hội huy động các nguồn lực xã hội. Chẳng hạn, xem xét lại một số quy định về thuế, thu nhập doanh nghiệp để khuyến khích bổ sung các khoản chi tài trợ cho văn hóa, thể thao, tăng cường nguồn lực xã hội hóa.
Đặc biệt, một trong những vấn đề Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặc biệt quan tâm là đề nghị các cấp có thẩm quyền nhanh chóng hoàn thiện, ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Bộ trưởng thông tin, hiện Bộ VHTTDL đã cơ bản hoàn thiện việc xây dựng chương trình và đang lấy ý kiến của các Bộ, ngành. Để nâng cao hiệu quả trong công tác xây dựng chương trình, Bộ trưởng đề xuất Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý kiến chỉ đạo để các Ủy ban của Quốc hội cùng đồng hành, cho ý kiến, giúp chương trình sớm ban hành và đi vào thực tiễn.
Nguồn: baovanhoa.vn