Tiềm năng thiên nhiên văn hóa đa dạng
Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai (Khu Bảo tồn) nằm ở khu vực trung tâm các tỉnh miền Đông Nam Bộ với diện tích tự nhiên 100.571,6ha. Đây là một trong những Khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích tự nhiên lớn nhất Việt Nam với đặc trưng nổi bật về rừng tự nhiên, là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật hoang dã. Nơi đây cũng được các tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới đánh giá cao về tính nổi trội đa dạng sinh học, là một trong 13 vùng bảo tồn ưu tiên của khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, nơi đây là sinh cảnh ưu tiên ở vùng chim đặc hữu của miền Nam Việt Nam, là tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp lưu vực sông Đồng Naivà đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Khu Bảo tồn hiện là nơi sinh sống của trên 1.550 loài thực vật, gần 1.820 loài động vật; trong đó có nhiều loài được xếp là quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng được ghi vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới như voi, gấu chó, báo gấm, bò tót, cẩm lai, gõ đỏ...
Với diện tích tự nhiên rộng lớn, Khu Bảo tồn được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan xinh đẹp. Có thể kể đến như công viên đá, là khu vực có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, các bãi đá liên kết cạnh nhau, tạo thành một quần thể đá tự nhiên có nhiều hình thù lạ mắt hấp dẫn. Cạnh công viên đá có rừng tự nhiên rộng lớn và suối Bà Hào quanh năm nước chảy róc rách, dọc suối có nhiều ghềnh thác tự nhiên thơ mộng. Hay như thác Ràng, là một địa điểm tham quan lý thú, được bao quanh bởi rừng cây gỗ đan xen lồ ô, có cảnh quan rừng tiêu biểu đại diện cho kiểu rừng kín thường xanh. Hồ thủy điện Trị An cũng nằm trong Khu Bảo tồn với diện tích lúc ngập nước vào khoảng 32.400ha; trên hồ có xen lẫn 76 hòn đảo lớn nhỏ cùng các làng nuôi cá bè. Nơi đây đã trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn, thú vị cho du khách. Hồ Trị An cũng là nơi lý tưởng để mời gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái hồ; du lịch thể thao nước, nhất là các môn thể thao như dù kéo, cano trượt nước; nghỉ dưỡng trên các hòn đảo giữa hồ; tham quan các làng nuôi cá. Năm 2013, hồ Trị An được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch Điểm du lịch quốc gia và là vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai.
Khu Bảo tồn với lợi thế về cảnh quan, sinh thái tự nhiên rừng - hồ, cùng công trình thủy điện hồ Trị An đã mang đến cho nơi đây những thế mạnh về du lịch sinh thái hồ, rừng độc đáo mà ít nơi nào có được. Đặc biệt, khu vực ven hồ Trị An là một hệ sinh thái độc đáo, thuận lợi để phát triển du lịch, nếu khai thác xứng tầm sẽ trở thành một điểm đến tầm cỡ trong tương lai không xa.
Nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn
Đến với Khu Bảo tồn, du khách được trải nghiệm những khoảnh khắc về với thiên nhiên, lắng nghe hơi thở của rừng. Du khách có thể thỏa thích ngắm những vạt hoa rừng đầy màu sắc, những cây đại thụ kiêu hãnh vươn mình giữa tán trừng xanh, hay những dây leo kỳ dị lên những loài hoa bé nhỏ gan góc, những cây nấm lạ, những mảng rêu xanh mượt mà… Du khách cũng được lắng nghe tiếng suối róc rách êm ả, tiếng chim líu lo từ vòm lá xanh, tiếng gió thổi lao xao qua tán rừng; ngắm nhìn những đàn bướm sặc sỡ, thỉnh thoảng lại bắt gặp những con thú nhút nhát vụt qua cạnh lối đi...
Du khách cũng được trải nghiệm, tìm về cội nguồn những giá trị lịch sử truyền thống của Chiến khu Đ anh hùng, vùng đất “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, mảnh đất “Đất thép thành đồng rạng núi sông”. Đi qua hai cuộc kháng chiến, người dân miền Đông đã xây dựng các căn cứ cách mạng nổi tiếng một thời như căn cứTrung ương Cục miền Nam (1961-1962); Khu ủy miền Đông Nam bộ (1961-1967) và địa đạo Suối Linh (1962-1967)... Những căn cứ cách mạng này đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử, Văn hóa cấp quốc gia, hiện nay đã được khôi phục và tôn tạo trở thành những điểm du lịch về nguồn nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, du khách tới đây cũng có thể tham quan, tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc Chơro, được tham gia lễ hội múa cồng chiêng, các lễ hội truyền thống hay thưởng thức những món ăn độc đáo của người Chơro bản địa.
Trong hành trình khám phá, trải nghiệm Khu Bảo tồn, du khách còn có thể tham quan nhà máy thủy điện Trị An, tham quan các làng nghề nuôi hươu, nai; những khu vườn trồng cam quýt; thưởng thức những món đặc sản của miền sơn cước, trải nghiệm cảm giác mắc võng ngủ giữa rừng hay sang trọng hơn có hệ thống phòng nghỉ ở nhà khách Mã Đà, khu du lịch sinh thái Bà Hào đầy đủ tiện nghi đều rất thú vị và hấp dẫn. Vượt rừng, du khách lại xuống hồ, đi du thuyền lênh đênh trên hồ Trị An để khám phá, trải nghiệm cuộc sống của ngư dân, thả hồn vào sông nước mênh mông, khám phá những hòn đảo nhấp nhô; đặc biệt thưởng thức những món đặc sản trên hồ để cảm nhận câu ca dao “Đồng Nai gạo trắng, nước trong, ai đi đến đó lòng không muốn về”.
Hồ Trị An có vai trò điều tiết nước để phục vụ cho việc sản xuất điện của nhà máy thủy điện Trị An và là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất công, nông nghiệp của người dân 3 tỉnh, thành lớn nhất miền Đông là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Bên cạnh những nhiệm vụ quan trọng, hồ Trị An còn là điểm đến du lịch có nhiều tiềm năng để mời gọi đầu tư, khai thác và phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Văn Hà - Giám đốc Trung tâm Sinh thái - Văn hóa - Lịch sử Chiến Khu Đ cho biết, đơn vị hiện đang triển khai nhiều sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Có thể kể đến như tour về nguồn 1 ngày cho các em học sinh, các hội cựu chiến binh, các tổ chức đoàn thể, khách du lịch về thăm rừng Chiến khu Đ với các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại 2 khu Di tích Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy miền Đông Nam bộ. Tour giáo dục môi trường 1 ngày cho các em học sinh, sinh viên nhận biết được tính đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn, bao gồm tổ chức cho các em học cách ươm và trồng cây giống những loài cây bản địa như: dầu, sao, gõ đỏ và tìm hiểu các loại rau rừng ăn được. Tour khám phá thiên nhiên xanh 1 ngày và tour 2 ngày 1 đêm giới thiệu về tính đa dạng sinh học trong rừng tự nhiên, hướng dẫn tìm hiểu về các loài cây ăn quả trong rừng, phân biệt các loài nấm qua màu sắc của chúng; tìm hiểu sự phát tán sinh tồn của các loài cây có hạt, đo độ cao cây gỗ lớn, đếm tuổi cây gỗ lớn, phối hợp với các đơn vị tổ chức các sự kiện thể thao trong nước và quốc tế kết hợp du lịch sinh thái.
Ông Nguyễn Văn Hà cũng đặc biệt nhấn mạnh hoạt động triển khai các sản phẩm khai thác khu vực hồ Trị An - điểm nhấn thu hút du khách trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai. Tại đây, du khách có thể tham gia các hoạt động như cắm trại, chèo SUP, đạp xe… khám phá thiên nhiên, nhìn ngắm cảnh đẹp nên thơ của hồ Trị An. Việc tham quan làng nuôi cá bè, tìm hiểu cuộc sống của người dân miền sông nước, cắm trại trải nghiệm ngủ qua đêm trên các hòn đảo, thưởng thức các món ăn địa phương cũng là những trải nghiệm khác biệt và đáng nhớ.
Định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới
Năm 2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai đến năm 2030. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã định hướng trong giai đoạn tới sẽ tập trung phát triển du lịch sinh thái rừng, gắn với cụm di tích, danh thắng tại Khu Bảo tồn. Mục tiêu thu từ khách du lịch đạt 94 tỷ đồng vào năm 2025 và 374 tỷ đồng vào năm 2030; hoạt động du lịch sinh thái đóng góp tích cực trong việc giải quyết việc làm và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương (giải quyết 370 lao động đến năm 2025 và 1.580 lao động vào năm 2030); bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên về văn hóa, đặc biệt là di tích lịch sử và văn hóa cộng đồng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã định hướng phát triển các sản phẩm về du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái hồ; du lịch văn hóa gắn liền với di tích lịch sử cách mạng và văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số; du lịch thể thao và khám phá; du lịch vui chơi giải trí tổng hợp; du lịch sinh thái kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện; du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề khoa học, nghiên cứu, thực tập, giáo dục môi trường...
Đề án du lịch của Khu Bảo tồn cũng đã quy hoạch 37 tuyến du lịch, 51 dự án mời gọi đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí với phương thức tự tổ chức, liên doanh liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch. Các dự án đang triển khai kỳ vọng sẽ thúc đẩy đột phá trong phát triển du lịch của Khu Bảo tồn như Khu Công viên Thể thao Hàng không Đồng Nai; Khu phức hợp, nghỉ dưỡng cao cấp (tại khu vực hồ Bà Hào); Khu du lịch sinh thái hồ Sen (tại khu vực hồ Bà Hào); Dự án khu du lịch sinh thái Vườn ươm và hồ vườn ươm; Dự án du lịch sinh thái hồ Trị An và các đảo trên hồ; Khu nuôi động vật bán hoang dã; các bến tàu, phát triển hạ tầng giao thông... Đây là cơ sở tiền đề, là điều kiện đánh thức tiềm năng, dư địa, lợi thế, tạo bước đột phá, mở ra cơ hội, không gian phát triển mới cho du lịch Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai trong tương lai.
�Phước Hà