Măng Đen có diện tích 148,07km², nằm trên địa phận huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Thị trấn Măng Đen được các dãy núi cùng quần hệ thực vật rừng nguyên sinh bao quanh nên có nền khí hậu miền núi ôn hòa, dịu mát quanh năm. Bên cạnh thảm rừng nguyên sinh, cảnh quan thiên nhiên, đặc điểm thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp để khai thác phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và nông nghiệp cây xứ lạnh, cây dược liệu. Ngay từ những thập niên đầu thế kỷ 20, người Pháp đã đến Măng Đen khảo sát, đưa cây thông vào trồng với ý định xây dựng một trạm nghỉ dưỡng trên vùng đất này.Và hiện nay, con đường thông đẹp mắt ở đầu thị trấn là một trong những điểm check-in không thể bỏ qua đối với nhiều du khách. Với khí hậu và cảnh quan có nhiều nét giống với miền ôn đới, Măng Đen còn được ví như Đà Lạt của vùng Bắc Tây Nguyên.
Măng Đen là điểm đến dễ tiếp cận trong mối liên kết giao thông với các địa phương trong tỉnh Kon Tum. Trong khi đó, Kon Tum là tỉnh nằm ở vị trí đầu tiên của tuyến du lịch “Con đường Xanh Tây Nguyên”, kết nối với tuyến du lịch “Con đường Di sản miền Trung” và “Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh” để hình thành tuyến du lịch xuyên quốc gia. Tuyến du lịch “Con đường Xanh Tây Nguyên” vượt qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y để hình thành tuyến du lịch “Con đường di sản Đông Dương” nối các di sản thế giới của Việt Nam với các di sản thế giới của hai nước bạn Lào và Campuchia… Thế mạnh về vị trí của Kon Tum cùng nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú là sự hỗ trợ cần thiết để Măng Đen trở thành điểm đến níu giữ du khách. Điều đó có nghĩa là khi du khách đã đến Kon Tum thì Măng Đen sẽ trở thành một lựa chọn không thể bỏ qua.
Măng Đen sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú có thể khai thác các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch trải nghiệm văn hóa - lịch sử, bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số. Du khách đến với Măng Đen có thể lựa chọn nhiều điểm tham quan như hồ Toong Đam, thác Đăk Ke, rừng già Kon Plong, tượng Đức Mẹ Măng Đen, thác Pa Sĩ, chùa Khánh Lâm, Vườn thực nghiệm, Vườn hoa Thanh niên, nhà rông KonPring, Tượng đài chiến thắng Măng Đen, Di tích lịch sử Măng Đen, những đồi hoa sim, hoa mua, rừng thông Măng Đen, sân bay Măng Đen (dự kiến sẽ quy hoạch xây dựng trong thời gian tới)…
Măng Đen còn được chọn là trung tâm nghiên cứu và sản xuất các loại dược liệu quý như hồng đẳng sâm, sâm đương quy, đông trùng hạ thảo và thực tế đã cho ra nhiều sản phẩm chất lượng, được sử dụng làm sản phẩm lưu niệm cho du khách. Trong những năm gần đây, nhờ sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, Măng Đen đã trở thành một địa điểm thu hút đầu tư và du lịch trọng điểm của Kon Tum.
Theo khảo sát vào đầu tháng 9/2022, Măng Đen vẫn còn một số bất cập cần được sớm tháo gỡ để hoạt động du lịch nơi đây có thể “cất cánh” trong giai đoạn tới. Trước hết, để tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù, có thương hiệu độc đáo và hình ảnh riêng biệt cho Măng Đen cần tiếp cận theo hướng vừa mang đến nhiều tiện ích cho du khách vừa bảo tồn được những giá trị thiên nhiên vốn có. Về hệ thống giao thông, đường di chuyển từ Pleiku qua thành phố Kon Tum để đi tiếp sang Măng Đen khá thuận lợi nhưng tuyến đường bộ từ sân bay Chu Lai (Quảng Nam) lên Măng Đen không qua thành phố Kon Tum còn khá nhiều khó khăn, cần được đầu tư nâng cấp. Theo số liệu thống kê, lượng du khách đến Măng Đen khoảng 5 năm trở lại đây chủ yếu là du khách nội tỉnh (Kon Tum) và du khách của ba tỉnh lân cận là Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Chính vì thế, hạ tầng giao thông thuận lợi là ưu tiên hàng đầu để phát triển Măng Đen xứng tầm với tiềm năng vốn có.
Trong quá trình phát triển du lịch tại Măng Đen cần đặc biệt quan tâm đến bảo tồn hệ sinh thái, không gian tự nhiên cũng như không gian văn hóa - lịch sử của cộng đồng các dân tộc bản địa. Cùng với Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và quy hoạch chung đô thị Kon Plong, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum đến năm 2030 đã được phê duyệt khá chi tiết, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan của Kon Tum cần xây dựng và ban hành các kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa khai thác, phát triển du lịch và giữ gìn môi trường sinh thái.
Hiện nay, tại Măng Đen đã có khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, các khách sạn và nhà nghỉ phù hợp với nhiều đối tượng du khách. Tuy vậy, hệ thống lưu trú theo hình thức homestay còn ít và chưa mang lại cho du khách những trải nghiệm văn hóa bản địa thực sự rõ nét. Trong thời gian tới cần tổ chức tập huấn, rèn luyện kỹ năng và nâng cao nghiệp vụ làm du lịch cho các chủ homestay để họ phục vụ khách tốt hơn. Dịch vụ ăn uống, nhà hàng mặc dù cũng đã khá tốt, cơ bản phục vụ được nhu cầu của du khách song vấn đề đa dạng sản phẩm, tính đặc trưng vùng miền, hương vị bản địa cần được chú ý hơn. Hệ thống farmstay đã xuất hiện song nhìn chung vẫn mang yếu tố tự phát, cần có sự kiểm soát chặt chẽ của các đơn vị chức năng và nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách…
Tài liệu tham khảo:
1. Vĩnh Hà, Lê Hường (2021), “Khi bản sắc văn hóa trở thành thế mạnh phát triển du lịch”, nguồn: baodantoc.vn
2. VNHN (2021), “Kon Tum: xây dựng thương hiệu Măng Đen với du lịch sinh thái”, nguồn: https://vietnamhoinhap. vn/vi/kon-tum-xay-dung-thuong-hieu-mang-den-voi-du[1]lich-sinh-thai-26454.htm
3. Nguyễn Doãn Tuấn (2022), “Du lịch Kon Tum từng bước phục hồi và bứt phá”, Tạp chí Du lịch, số tháng 10 năm 2022
4. Quốc Văn (2022), “Khu du lịch Măng Đen, Kon Tum có gì mà thu hút đến thế”, nguồn: haidangtravel.com/tin-tuc/ mang-den.
ThS. Nguyễn Doãn Tuấn
PGS.TS. Lê Văn Tấn
Mai Văn Trọng
(Tạp chí Du lịch tháng 12/2022)