Lợi thế về du lịch văn hóa, lịch sử
Đồng Nai hiện có 57 di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia (trong đó 02 di tích quốc gia đặc biệt) và khoảng 1.500 di tích phổ thông khác. Các di tích lịch sử và các công trình tôn giáo, tín ngưỡng như Văn Miếu Trấn Biên, chùa cổ Bửu Phong, chùa Ông, đình Tân Lân, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh,… và những công trình gắn với quá khứ hào hùng của quê hương Đồng Nai như: nhà lao Tân Hiệp, Khu ủy miền Đông, chiến Khu Đ, địa đạo Nhơn Trạch, chiến khu Rừng Sác, căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 là những căn cứ địa cách mạng quan trọng ở miền Đông Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là những địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Một điều hết sức thuận lợi là các điểm du lịch này nằm xen kẽ với các điểm du lịch sinh thái có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như khu danh thắng Bửu Long, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, khu du lịch thác Giang Điền, khu du lịch sinh thái Bò Cạp Vàng… đã tạo ra chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch liên hoàn, hấp dẫn thu hút du khách. Ngoài ra, Đồng Nai là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, là nơi hội tụ nhiều nền văn hóa mang sắc thái vùng miền rõ nét.
Giá trị du lịch tự nhiên, sinh thái
Đồng Nai sở hữu thế mạnh về du lịch sinh thái, thể hiện qua sự đa dạng về tự nhiên và sinh học, nổi bật là hệ thống đồi núi, sông, suối, thác nước với 30 khu, điểm du lịch, trong đó các điểm du lịch sinh thái chiếm đa số. Các điểm du lịch sinh thái như: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu du lịch cáp treo Núi Chứa Chan, cụm dịch vụ du lịch vườn Long Khánh, hồ Trị An… đã tạo nên sức hấp dẫn riêng, ẩn chứa nhiều điều thú vị của vùng đất này. Bên cạnh đó, Đồng Nai còn có tài nguyên rừng rộng lớn, đa dạng. Toàn tỉnh có 150.000ha rừng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Ngoài ra, Đồng Nai cũng phát triển nhiều loại hình du lịch thể thao, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, du lịch cộng đồng…; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách.
Khai thác giá trị làng nghề truyền thống�
Trong quá trình hình thành và phát triển, Đồng Nai có nhiều ngành nghề truyền thống với những sản phẩm mang đậm nét văn hóa - bản sắc dân tộc, nhiều làng nghề thủ công truyền thống được phát triển và gắn với sản phẩm du lịch như: làng nghề đá Bửu Long, làng nghề gốm Tân Vạn - Biên Hòa, làng nghề mộc mỹ nghệ huyện Trảng Bom, làng nghề dệt thổ cẩm Tà Lài… Làng nghề thủ công truyền thống là một trong những nét đặc trưng đang được tỉnh Đồng Nai bảo tồn và phát huy, phát triển song song với phát triển du lịch. Hiện nay, Đồng Nai đã thực hiện lồng ghép việc mua sắm, tham quan làng nghề vào các tuyến điểm du lịch nhằm tạo sản phẩm riêng biệt khi du khách đến tham quan.
Sản phẩm nông nghiệp gắn kết du lịch
Nông nghiệp gắn kết du lịch đang là mô hình mang lại hiệu quả tích cực, vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp vừa tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện môi trường. Đồng Nai có diện tích cây ăn trái lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ nên rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái vườn như ở các huyện Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú, Long Thành và thành phố Long Khánh. Tại Đồng Nai hiện có nhiều vườn cây ăn trái như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, ổi, cam, quýt, bưởi... từ đó hình thành nên những vùng chuyên canh từ vài trăm đến hàng ngàn héc-ta. Các địa phương cũng đã bắt đầu chú trọng phát triển du lịch sinh thái vườn. Nhiều vườn cây ăn trái rất đẹp đang được phát triển du lịch sinh thái vườn để nâng cao thu nhập. Hiện Đồng Nai đang có chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích người dân làm du lịch, đồng thời tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng, tạo sự kết nối giữa các khu, điểm du lịch, tạo nên những chuỗi sản phẩm du lịch trong tương lai.
Hiện nay, Đồng Nai đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, trong đó lấy du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn và du lịch về nguồn - tâm linh là điểm nhấn và là thương hiệu du lịch Đồng Nai để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và sức cạnh tranh của du lịch tỉnh.
Kim Oanh