(Tạp chí Du lịch) - Theo thông tin mới nhất từ Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), lượng khách du lịch quốc tế toàn cầu có thể đạt 80% đến 95% so với mức trước đại dịch trong năm 2023. Tuy nhiên, mức độ phục hồi du lịch còn tùy thuộc vào mức độ suy thoái kinh tế toàn cầu, bất ổn địa chính trị, diễn biến của cuộc xung đột Nga – Ukraine và quá trình phục hồi du lịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Dữ liệu mới nhất của UNWTO cho thấy, hơn 900 triệu lượt khách đã đi du lịch quốc tế vào năm 2022, gấp đôi số lượng của năm 2021 và bằng 63% so với mức trước đại dịch. Tất cả các khu vực trên toàn cầu đều ghi nhận sự gia tăng về số lượng khách du lịch quốc tế. Trung Đông có mức tăng mạnh nhất khi lượng khách đến bằng 83% so với trước đại dịch. Châu Âu đạt gần 80% mức trước đại dịch khi đón 585 triệu lượt khách vào năm 2022. Châu Phi và châu Mỹ đều phục hồi khoảng 65% lượng khách, trong khi châu Á - Thái Bình Dương chỉ đạt 23% so với mức trước đại dịch. Theo UNWTO, sau khi phục hồi mạnh hơn dự kiến vào năm 2022, tất cả các khu vực trên toàn thế giới sẽ tiếp tục có sự phục hồi mạnh mẽ vào năm 2023. Trong đó, riêng khu vực châu Âu và Trung Đông, lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ bằng với mức đã đạt được trước đại dịch.
Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili cho biết: "Một năm mới mang lại nhiều lý do để lạc quan hơn đối với ngành Du lịch toàn cầu. UNWTO kỳ vọng nhu cầu đi lại trong nước và khu vực sẽ duy trì mạnh mẽ và giúp thúc đẩy sự phục hồi rộng lớn hơn của Ngành". Việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại liên quan đến COVID-19 gần đây ở Trung Quốc, thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới là một bước quan tr��ng cho sự phục hồi của du lịch châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Việc nối lại du lịch từ Trung Quốc có thể mang lại lợi ích cho các điểm đến châu Á nói riêng. Đồng thời, nhu cầu mạnh mẽ từ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho các điểm đến ở khu vực châu Âu.
Theo UNWTO, sự gia tăng đáng kể về doanh thu du lịch quốc tế đã được ghi nhận ở hầu hết các điểm đến bởi sự gia tăng chi tiêu trung bình cho mỗi chuyến đi, thời gian lưu trú dài hơn, khách du lịch sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn ở điểm đến và chi phí đi lại cao hơn do lạm phát vào năm 2022. Tuy nhiên, “suy thoái kinh tế có thể khiến khách du lịch có thái độ thận trọng hơn vào năm 2023 với việc giảm chi tiêu, các chuyến đi ngắn hơn và du lịch gần nhà hơn. Hơn nữa, những thách thức về sức khỏe liên quan đến COVID-19 cũng có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của ngành Du lịch trong những tháng tới”, UNWTO khuyến nghị.
LH