Tại buổi lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam – EU có tính chất bổ sung lẫn nhau, cả về đầu tư thương mại và hợp tác kinh tế. Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) là cột mốc quan trọng trong mối quan hệ thương mại, kinh tế và đầu tư, giữa EU và Việt Nam. Đây được coi là nền móngcho quan hệ đối tác toàn diện giữa 2 bên.
Sách Trắng 2017 cung cấp tổng hợp những thông tin đánh giá cập nhật về tình hình kinh tế, môi trường kinh doanh và môi trường pháp lý hiện nay tại Việt Nam. Nội dung Sách Trắng 2017 bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh bao gồm 3 phần chính: Hiệp định thương mại tự do giữa liên minh châu Âu và Việt Nam – cơ hội tiếp cận thị trường; các vấn đề liên quan ngành; các vấn về của ngành.
Về vấn đề du lịch, Sách trắng 2017, có nhắc đến các chính sách về phát triển du lịch cùng với các kiến nghị như: Chính sách thị thực nhập cảnh; tiếp thị điểm đến; phát triển du lịch bền vững nhằm giúp Chính phủ Việt Nam đưa ra các quyết sách quan trọng đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Sách trắng 2017 cũng đưa ra những tồn tại, bất cập cần được tiếp tục cải thiện. Đó là quy trình cấp phép các dự án có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn khá phức tạp. Việc khai báo thuế, thông quan đăng ký kinh doanh và các thủ tục hành chính khác thường xuyên bị chậm trễ... gây phiền phức và tốn kém cho các doanh nghiệp.
Chủ tịch EuroCham Michael Behrens, khẳng định, Sách Trắng 2017 nhằm hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của châu Âu, và trung tâm kinh tế của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Bên cạnh đó, EVFTAsẽ trở thành động lực trong quá trình hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam trong năm 2017 và trong tương lai. EVFTA cũng khiến Việt Nam trở thành điểm đến kinh doanh hứa hẹn nhất tại khu vực Đông Nam Á cho các doanh nghiệp châu Âu.
EU cam kết hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa và hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của Việt Nam, viện trợ của EU cho Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020 đã được tăng thêm 30% và đạt mốc 400 triệu Euro, trong đó mục tiêu trọng tâm là phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam.
MT