Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy bày tỏ, Hà Nam là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa với kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, quý báu mang đậm bản sắc vùng đồng bằng Bắc bộ. Với gần 2.000 di tích các loại, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 95 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 133 di tích cấp tỉnh; 03 bảo vật quốc gia; 12 di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; trên 100 lễ hội truyền thống, 40 làng nghề thủ công truyền thống... Cùng với đó là hệ thống sông núi, hang động nổi tiếng như hồ Tam Chúc, hồ Ba Hang, núi Đọi - sông Châu, núi Cấm - Ngũ Động Sơn... đã, đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các sản phẩm du lịch mang đặc trưng như: Du lịch văn hóa - tâm linh, lễ hội: Chùa Bà Đanh, đền Trần Thương, chùa Long Đọi Sơn, đền Lảnh Giang, chùa Địa Tạng Phi Lai, Từ đường Nguyễn Khuyến, Khu tưởng niệm nhà văn - liệt sỹ Nam Cao; Lễ hội Tịch Điền, lễ phát lương Đền Trần Thương...và đặc biệt là Khu du lịch Tam Chúc, điểm nhấn nổi bật của du lịch Hà Nam. Sản phẩm du lịch nông thôn với các làng nghề truyền thống: Làng cá kho Đại Hoàng, làng Trống Đọi Tam, làng lụa Nha Xá...
“Hà Nam đã và đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành điều chỉnh quy hoạch tổng thể và phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng của các điểm du lịch. Trong lĩnh vực đối ngoại, xúc tiến đầu tư, Hà Nam đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các địa phương, tổ chức của nhiều nước, tiêu biểu là đất nước Nhật Bản. Hà Nam coi hợp tác đầu tư với Nhật Bản là một trong những nhiệm vụ quan trọng để huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, ông Trương Quốc Huy nhấn mạnh.
Bày tỏ niềm vui nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước Việt Nam – Nhật Bản, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho rằng, trong bối cảnh quan hệ song phương đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay, gắn kết mạnh mẽ chưa từng thấy trong tất cả các lĩnh vực. Một trong những địa phương đã trở thành hình mẫu cho quan hệ hợp tác hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam là tỉnh Hà Nam.
Theo Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio, Hà Nam đã nêu rõ và thực hiện nghiêm túc 10 cam kết để thu hút đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang được hoạt động trong môi trường đầu tư thuận lợi.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao Quyết định công nhận 2 bảo vật quốc gia cho tỉnh Hà Nam. Đó là Bảo vật quốc gia Bia đá chùa Giàu (xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý) và Bảo vật quốc gia Trống đồng Tiên Nội 1 (trong bộ sưu tập 16 chiếc của Bảo tàng tỉnh Hà Nam) thuộc văn hóa Đông Sơn với niên đại được tính toán vào khoảng thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ III trước công nguyên.
Trước đó, tại buổi họp báo Tuần Văn hóa - Du lịch Hà Nam 2023 và Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam – Nhật Bản do Sở VHTTDL Hà Nam và Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Tam Chúc phối hợp tổ chức, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nam Ngô Thanh Tuân thông tin, Tuần Văn hóa - Du lịch Hà Nam 2023 sẽ diễn ra nhiều chương trình văn hóa – du lịch đặc sắc kéo dài đến đầu tháng 6 năm 2023, như: Trưng bày “Bảo vật Quốc gia và cổ vật tiêu biểu tỉnh Hà Nam” lần thứ hai năm 2023 và triển lãm “Điêu khắc Phật giáo qua bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”. Chương trình diễn ra từ ngày 16-26/5, tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam. Đăng cai tổ chức Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023, từ ngày 20/5 - 5/6/2023 tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Hà Nam. Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam, diễn ra vào ngày 19/5 tại Nhà Thủy Đình, Khu Du lịch Tam Chúc; tổ chức sự kiện văn hóa, du lịch, ẩm thực… và trải nghiệm không gian phố đi bộ Phủ Lý – Hà Nam tối ngày 27/5, tại Trung tâm thành phố Phủ Lý... cùng nhiều hoạt động bên lề khác. Theo Ban Tổ chức, các hoạt động trong tuần văn hóa lần này có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản; đồng thời, tiếp tục giới thiệu, tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống, mối quan hệ giao lưu, gắn bó, hữu nghị bền chặt giữa hai quốc gia, hai dân tộc, giữa tỉnh Hà Nam và các địa phương, tổ chức của Nhật Bản. Đây cũng là dịp để Hà Nam giới thiệu, quảng bá, thu hút khách du lịch, nhà đầu tư đến với tỉnh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch; tạo cơ hội để doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu, mở rộng thị trường, xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn giới thiệu đến du khách. |
Hùng Nguyễn