Buổi ký kết có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong; Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh; Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu. Buổi ký kết còn có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy; Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh; Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh.
Theo đó, hai bên hợp tác trên nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi, phù hợp với chức năng nhiệm vụ và phạm vi quyền hạn theo quy định của pháp luật. Những nội dung hợp tác sẽ được hai bên bàn bạc thảo luận và thống nhất triển khai bằng các kế hoạch hàng năm với các điều khoản cụ thể theo mỗi nội dung.
Việc hợp tác được thực hiện nhằm tăng cường liên kết chặt chẽ giữa hai bên, góp phần phát triển du lịch hiệu quả và bền vững. Góp phần gia tăng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đường sắt di chuyển thuận tiện, an toàn và có những trải nghiệm thú vị khi lựa chọn phương tiện đường sắt. Góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai ngành Du lịch và Đường sắt. Cùng với đó, phối hợp marketing điểm đến du lịch Việt Nam; tuyên truyền, quảng bá các chương trình du lịch Việt Nam có kết nối với đường sắt. Thống nhất các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, các doanh nghiệp dịch vụ vận tải đường sắt phối hợp xây dựng các tour du lịch mới, các sản phẩm, dịch vụ du lịch, dịch vụ đường sắt mới nhằm tăng cường thu hút, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch quốc tế và nội địa đi lại bằng phương tiện vận tải đường sắt.
Nội dung hợp tác tập trung vào 3 vấn đề chính: Hợp tác truyền thông, quảng bá các điểm đến du lịch Việt Nam và hình ảnh của Đường sắt Việt Nam; Hợp tác trong công tác chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và trải nghiệm của khách du lịch bằng đường sắt; Hợp tác trong xúc tiến, thúc đẩy các hoạt động du lịch bằng đường sắt và xây dựng các chương trình kích cầu thu hút khách du lịch bằng đường sắt. Trách nhiệm của mỗi bên là tạo điều kiện thuận lợi cho nhau trong quá trình tổ chức triển khai nội dung hợp tác; chủ động, tích cực phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan. Cùng trao đổi, thống nhất kế hoạch triển khai nội dung hợp tác từng năm; cung cấp đầy đủ và chính xác những thông tin cần thiết để triển khai các nội dung cụ thể trong thỏa thuận. Phối hợp để giám sát việc thực hiện các chương trình, hoạt động theo mục tiêu đã đề ra. Định kỳ hàng năm, hai bên sẽ báo cáo đánh giá các hoạt động hợp tác và rút kinh nghiệm các hoạt động, xây dựng định hướng cho giai đoạn mới.
Phát biểu tại buổi ký kết, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong nhận định, du lịch và giao thông vận tải là hai lĩnh vực có mối quan hệ mật thiết, tương hỗ lẫn nhau. Phát triển du lịch không thể tách rời khỏi sự phát triển của hệ thống giao thông, trong đó có giao thông đường sắt. Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng, việc hai bên ký biên bản ghi nhớ hợp tác không chỉ đánh dấu sự cam kết hợp tác của hai ngành mà còn mở ra nhiều cơ hội mới để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. “Bản ghi nhớ sẽ là nền tảng căn bản cho những nội dung hợp tác quan trọng giữa hai bên, từ việc phát triển các sản phẩm du lịch đường sắt, nâng cao chất lượng dịch vụ, đến việc thực hiện các chiến dịch quảng bá, truyền thông. Và đặc biệt là ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Những nội dung này không chỉ nhằm mục đích thu hút thêm du khách mà còn nâng cao trải nghiệm, giúp cho khách du lịch có những hành trình thú vị và đáng nhớ khi lựa chọn phương tiện đường sắt” - Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hồ An Phong đánh giá cao sự nỗ lực và quyết tâm của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hợp tác. Qua đó, phối hợp hiệu quả, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hồ An Phong cũng đề nghị Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tập trung, tăng cường phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để thực hiện các nội dung hợp tác đã được thống nhất, đảm bảo đi vào thực chất, hiệu quả và chất lượng. Đẩy mạnh công tác truyền thông và quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam và dịch vụ đường sắt, nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế. Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như trải nghiệm của du khách; tạo sự thuận tiện, an toàn tối đa cho du khách cũng như người dân di chuyển bằng đường sắt. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp du lịch để xây dựng các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn; phát triển các chương trình kích cầu du lịch hiệu quả. Thường xuyên rà soát, đánh giá, điều chỉnh kế hoạch hợp tác để phù hợp với tình hình thực tế về nhu cầu của du khách và người dân. “Tôi tin tưởng rằng, với sự cam kết và nỗ lực của cả hai bên, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành công trong việc phát triển du lịch đường sắt, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước” - Thứ trưởng Hồ An Phong khẳng định.
Chia sẻ tại buổi ký kết, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng việc Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ký biên bản ghi nhớ hợp tác là một sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, mở ra trang mới trong mối quan hệ hợp tác giữa hai ngành Du lịch và Đường sắt. Qua đó, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của du lịch đường sắt. Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng kỳ vọng thông qua sự hợp tác chặt chẽ hai bên, sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng to lớn của hệ thống đường sắt. Từ đó, gia tăng lượng khách du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ du lịch mới mẻ, hấp dẫn kết hợp với hệ thống vận tải đường sắt dọc theo chiều dài đất nước. Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng tin tưởng với tinh thần hợp tác, sáng tạo và quyết tâm cao độ, hai bên sẽ triển khai phối hợp hiệu quả, để du lịch đường sắt sớm trở thành một trong những sản phẩm, dịch vụ được du khách trong và ngooài nước quan tâm, lựa chọn hàng đầu. “Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cam kết đồng hành và hỗ trợ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trong việc triển khai các nội dung hợp tác một cách hiệu quả” - Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.
Cũng tại buổi ký kết, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh cho biết, năm 2023 có 43 triệu giờ hành khách ở trên tàu. Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, đây là một nguồn tài nguyên to lớn, nếu khai thác hiệu quả sẽ trở thành một kho báu. “Với tư duy đường sắt phải là của cộng đồng, địa phương, đất nước; đường sắt không phải vận tải thuần úy mà phải là một phân khúc trải nghiệm, tới đây, ngành đường sắt sẽ nỗ lực hơn nữa để có được nhiều sản phẩm tàu chất lượng cao. Làm sao để du khách khi xuống tàu là phải cảm thấy nuối tiếc” – ông Đặng Sỹ Mạnh chia sẻ.
Thanh Minh