Nằm đối diện với bến thuyền Buốc Lỗm, khu nghỉ dưỡng Ba Bể Resort được chủ đầu tư xây dựng quy mô hoành tráng trên diện tích hàng chục ha. Dù sở hữu vị trí cực kỳ đắc địa, ngay sát trục đường chính dẫn vào khu du lịch Hồ Ba Bể, rất khó có điểm chê với “phong thủy” lưng tựa sơn mặt hướng thủy, hội tụ đủ mọi lợi thế để đón khách cao cấp, thế nhưng điều rất đáng ngạc nhiên là khu resort này gần như không có khách quốc tế lưu trú, ngay cả với khách du lịch nội địa, cũng rất hãn hữu.
“Dường như chủ đầu tư đã tính đến bài toán đi tắt đón đầu, nhất là đón tiếp và phục vụ các đoàn khách lớn, đối tượng khách cao cấp, thế nhưng dịch vụ lưu trú liên quan đến rất nhiều yếu tố khác như sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch tại điểm đến, chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ và các yếu tố bổ trợ khác. Do vậy, nếu chỉ chú trọng vào khâu lưu trú mà thiếu các mắt xích kết nối, thì chuyện không có khách là điều dễ hiểu”, anh Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel nhận định.
Một câu chuyện được Giám đốc Việt Sense Nguyễn Văn Tài chia sẻ đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm về du lịch Ba Bể, thời điểm năm 2004, khi đó anh Tài vừa mới ra trường và đi làm tourguide cho khách quốc tế, Ba Bể khi đó còn rất khó khăn trong vấn đề giao thông, chưa có xe vào hồ mà phải quốc bộ hàng chục cây số. Thế nhưng chính sự khó khăn vất vả đó đã mang lại cho bản thân anh cũng như du khách những trải nghiệm khó có thể phai mờ. Cảm xúc như vỡ òa khi “viên ngọc lục bảo” hồ Ba Bể hiện ra trước mắt, được bao phủ bởi bạt ngàn cây cối, hoang sơ mà hùng vĩ. Thiên nhiên kỳ thú như giang rộng vòng tay ôm trọn mặt nước khổng lồ, tạo nên một tấm gương trong vắt phản chiếu đất trời.
“Tôi nhớ mãi hình ảnh những ngôi nhà sàn thấp thoáng sau những rặng cây xa thâm sẫm, lẫn với màu của cỏ cây. Khói lam chiều tỏa ra thơm nồng, gợi lên một cảm xúc cực kỳ khó tả, không chỉ riêng tôi mà những du khách đi cùng cũng sững người lại vì vẻ đẹp hết sức nên thơ đó…”, anh nhớ lại.
Bồi hồi với những kỷ niệm xưa bao nhiêu thì những hình ảnh Ba Bể của thực tại khiến anh chạnh lòng bấy nhiêu. Ba Bể bây giờ là những ngôi nhà sàn bê tông sừng sững, là mái nhà lợp tôn xanh đỏ, là các homestay mọc lên như nấm nhưng chẳng theo một quy chuẩn nào, khiến cho Ba Bể ngày càng lôm nhôm…
Sự phát triển manh mún, dàn trải về cơ sở lưu trú trong khi các sản phẩm du lịch ít được đầu tư tạo nên một sự tẻ nhạt không đáng có của một khu du lịch thuộc loại tiềm năng được xếp thứ hạng trong vùng Đông bắc.
Những năm trước đây, tour du lịch Hà Nội – Ba Bể 2 ngày 1 đêm cho du khách quốc tế rất phổ biến, thậm chí nó còn trở thành một chương trình tour bán rất chạy, thế nhưng càng về sau này, tour Hà Nội – Ba Bể càng mất đi ưu thế, và Ba Bể chỉ còn là điểm ghé chân trong lịch trình tour Hà Nội – Bắc Kạn – Cao Bằng.
Khách quan mà nói, sản phẩm du lịch Ba Bể được những người làm dịch vụ du lịch tại đây tạo ra ngày một đa dạng, có thể kể đến các loại hình như chèo thuyền kayak trên hồ, trekking rừng quốc gia Ba Bể, leo núi, camping…, thế nhưng vì một lý do nào đó, sức lan tỏa của các sản phẩm du lịch này chưa đủ mạnh, chưa tạo được hiệu ứng tốt để thu hút khách quốc tế lưu trú dài hơn.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Kạn Hà Văn Tiến, những năm qua, Ba Bể có các sản phẩm du lịch cơ bản như: Du lịch danh thắng hồ Ba Bể, du lịch sinh thái; du lịch lịch sử -văn hóa, lễ hội nổi bật là Lễ hội Lồng Tồng Ba Bể, du lịch tâm linh; du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, du khách còn có thể trải nghiệm ẩm thực, nấu ăn cùng người dân bản địa…
Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho rằng, sản phẩm du lịch của Ba Bể còn đơn điệu, cơ sở lưu trú cũng chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân lực du lịch còn yếu, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất kỹ thuật như hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, dịch vụ... chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ khách.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch CLB du lịch cộng đồng nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Lửa Việt Tour, đại diện đoàn lữ hành từ TP.HCM cho rằng, Bắc Kạn cótiềm năng du lịch lớn với danh thắng, văn hóa, lịch sử, ẩm thực.
“Bắc Kạn sở hữu những lợi thế độc đáo mà nhiều vùng khác không có. Việc cần làm ngay là cần cải thiện tinh thần và thái độ phục vụ, bên cạnh việc xây dựng sản phẩm du lịch nổi trội dựa trên các lợi thế sẵn có. Bắc Kạn nói riêng và vùng Việt Bắc nói chung nên trở thành điểm đến du lịch sinh thái xanh trọng điểm của cả nước, song hành với du lịch biển ở Việt Nam”, ông Mỹ nói.
Ông Mỹ cũng chỉ ra những bất cập trong phát triển du lịch của Bắc Kạn như tính liên kết cùng yếu (liên kết địa phương, vùng, ngành…), nhất là trong du lịch có tình trạng mạnh ai nấy làm nên không tạo ra sức mạnh tổng hợp trong quảng bá…
“Vấn đề là cần người nhạc trưởng, có thẩm quyền quyết định từ đó mới có những hành động thiết thực, hiệu quả”, ông Mỹ nêu ý kiến.
Bắc Kạn là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, cả về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa lịch sử, trong đó nổi bật là Vườn quốc gia Ba Bể, với điểm nhấn là hồ Ba Bể, danh lam thắng cảnh được công nhận là di tích danh thắng quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Hồ Ba Bể cũng đã được công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên đẹp nhất thế giới. Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản ASEAN, khu Ramsa thứ 1.938 của thế giới và khu RAMSA thứ 3 của Việt Nam. |
Viễn Nguyệt