Tại khu di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), đoàn đã tham quan thánh điện Lam Kinh, khu hoàng thành, cung điện và thái miếu…
Tiếp đó, đoàn đến khảo sát bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh. Nằm dưới chân núi Chí Linh, cách trung tâm thị trấn huyện Lang Chánh trên 15km, bản Năng Cát đa dạng về sinh cảnh và lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Tại đây, đoàn có buổi giao lưu văn nghệ với bà con dân tộc. Đến với Năng Cát, du khách tham quan thác Ma Hao, có độ cao hơn 1.000m. Thác Ma Hao mang vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ và gắn với lịch sử hào hùng về chống giặc ngoại xâm của dân tộc, là nơi nghĩa quân Lam Sơn củaanh hùng dân tộc Lê Lợi từng đóng quân.
Bên cạnh đó, đoàn khảo sát còn tham quan Khu bảo tồn quốc gia Pù Luông và có buổi tọa đàm với lãnh đạo huyện Bá Thước.
Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Lò Văn Thắng chia sẻ: huyện Bá Thước có tiềm năng rất lớn về điều kiện tự nhiên và truyền thống văn hóa để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bá Thước có hơn 28 hang động đẹp, 8 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được xếp hạng và nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên đang được khai thác như Pù Luông, suối cá xã Văn Nho, thác Hiêu, thác Muốn, hang Dơi, Kho Mường, hang Cá Thần Mường Ký, hang Nước... Nền văn hóa rất đa dạng và phong phú với các nhà sàn truyền thống còn được lưu giữ, di tích lịch sử, lễ hội dân gian… Hiện tại, trên địa bàn huyện Bá Thước có hai loại hình du lịch chính là loại hình du lịch công vụ và loại hình du lịch sinh thái cộng đồng với 18 cơ sở lưu trú (17 cơ sở tư nhân, 1 cơ sở nhà nước), 26 nhà nghỉ du lịch sinh thái cộng đồng do dự án của tổ chức FFI hỗ trợ. Bá Thước đang tập trung mọi nguồn lực để phát triển thành điểm sáng du lịch trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để kết nối các điểm du lịch miền Tây Thanh Hóa, theo ý kiến của các thành viên tham gia đoàn khảo sát, UBND huyện Bá Thước cần đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch; tăng cường nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ...
MT