Chung tay vì một đại dương xanh
Theo thống kê từ Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), lượng rác thải nhựa xả ra môi trường tại các điểm đến du lịch ngày càng lớn khiến cho các khu du lịch đã và đang phải đối mặt với hiện tượng ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa như: vịnh Hạ Long, trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển; Đà Nẵng: 1.100 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó rác thải nhựa chiếm 17%; Tuy Hòa (Phú Yên): 524 tấn rác thải/ngày đêm, rác thải nhựa chiếm 18,31%; Rạch Giá (Kiên Giang): 250 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó 4,48 tấn rác thải rắn/ngày thải ra môi trường.
Bắt đầu từ năm 2020, WWF đã triển khai dự án “Giảm thiểu Rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng xã hội về mối liên quan giữa việc xả chất thải nhựa và hậu quả tiêu cực lên môi trường và sức khỏe.
Qua hơn 4 năm triển khai, Dự án đã phối hợp với các thành phố và điểm đến du lịch triển khai nhiều mô hình và giải pháp giảm chất thải nhựa và bảo vệ hệ sinh thái tại địa phương.
Trong mục tiêu đó, Dự án đang triển khai một chương trình truyền thông thay đổi hành vi với mục tiêu thúc đẩy không chỉ du khách, mà còn cả cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cùng chung tay bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và sinh kế bền vững tại địa phương.
Website Kiêng Nhựa (www.kiengnhua.vn) là một điểm nhấn trong chương trình truyền thông thay đổi hành vi mà Dự án triển khai trong năm 2023 và 2024. Lần đầu tiên được giới thiệu trong dự án, đây là một công cụ giúp du khách đo lường mức độ ảnh hưởng đến môi trường của từng món đồ nhựa dùng 1 lần như chai nhựa, túi nilon, hộp nhựa/hộp xốp, ly nhựa, đồ chăm sóc vệ sinh dùng 1 lần,... Từ đó, du khách có thể lựa chọn: hoặc tiếp tục sử dụng nhựa dùng 1 lần, hoặc lựa chọn “kiêng” sử dụng và lựa chọn các sản phẩm thân thiện môi trường hơn. Bằng cách đó, du khách có thể tự đánh giá mức đóng góp trực tiếp của mình vào việc bảo vệ môi trường, sửa soạn hành lý “xanh hơn” và điều chỉnh hành vi dùng đồ nhựa có trách nhiệm hơn trong mỗi chuyến du lịch.
Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
“Đây là một mục tiêu tham vọng, nhưng với sự quyết tâm của người dân, của du khách cũng như của các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương tại các điểm đến du lịch, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được điều này. Thông qua các thông điệp và hướng dẫn điều chỉnh hành vi tại trang website Kiêng nhựa, chúng tôi cũng hy vọng du khách sẽ thấy được mỗi hành động tích cực của họ, dù là nhỏ nhất, dù là sớm hay muộn, cũng có thể mang lại những tác động môi trường tích cực” ông Tạ Anh Tuấn, Quản lý Hợp phần Truyền thông và Giáo dục, Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, cho biết.
Trong chương trình này, Dự án cũng phối hợp với chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương tại hai điểm đến nổi tiếng là Phú Quốc và Côn Đảo. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền trên báo chí và mạng xã hội, Dự án cũng phối hợp với chính quyền và cơ quan đoàn thể tổ chức các buổi tập huấn về giảm thiểu chất thải nhựa cho cộng đồng doanh nghiệp.
Đồng thời, xây dựng và ban hành các quy định giảm thiểu, tiến tới cấm sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần và đốt vàng mã lãng phí tại các điểm di tích lịch sử, xây dựng và phát sổ tay hướng dẫn giảm thiểu chất thải nhựa cho hướng dẫn viên du lịch, đặt các bảng/biển thông tin tuyên truyền tại sân bay, ga tàu, cũng như vận động và hướng dẫn thực hành giảm nhựa dùng 1 lần tại các cơ sở kinh doanh lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống...
Định hướng du khách tìm kiếm trải nghiệm du lịch xanh
Qua những chương trình dự án mà Tổ chức WWF hỗ trợ và đồng hành với các địa phương có biển, sự thay đổi hành vi và nhận thức của người dân trong hành vi giảm nhựa, bảo vệ môi trường, giữ gìn đại dương xanh đã được thay đổi rõ rệt. Thay vì chỉ quan tâm lịch trình, Tuấn Anh (34 tuổi, Hà Nội) và nhóm bạn tích cực lên kế hoạch sử dụng các vật dụng thay thế đồ dùng nhựa một lần khi du lịch.
Đầu tháng 11, Tuấn Anh cùng nhóm bạn tìm hiểu thông tin để đi du lịch bốn ngày, ba đêm tại Phú Quốc, Kiên Giang. Trong hàng nghìn thông tin liên quan đến các điểm đến ở đảo Ngọc như Gánh Dầu, Hòn Đồi Mồi, Bãi Sao... Tuấn Anh bị thu hút bởi thông tin Phú Quốc đứng trước áp lực lớn của rác thải từ hoạt động du lịch, đặc biệt là rác thải nhựa phát sinh ra biển gây mất cảnh quản, giảm đa dạng sinh học.
"Nhóm chúng tôi muốn đến Phú Quốc để du lịch, trải nghiệm chứ không muốn mình trở thành một phần trong quá trình phát sinh rác thải ở hòn đảo này", Tuấn Anh bày tỏ. Vì vậy, nhóm đã quyết định lên phương án giảm nhựa, để chuyến hành trình được nhẹ nhàng, thuận tiện.
Tương tự, chuyến du lịch tâm linh tại Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) của gia đình chị Lương Thùy Anh (46 tuổi, Hà Nội) được chuẩn bị chỉn chu với mút xốp cắm hoa, cốc nến, mâm nhựa, nước lọc, nước ngọt đóng chai cùng hàng loạt túi bóng đựng đồ,… Được bạn bè nhắc nhở, Tổ chức WWF khuyến cáo về giảm thiểu nhựa, đốt vàng mã tại Côn Đảo, vì vậy địa phương này đang thực hiện chính sách hạn chế rác thải tại nghĩa trang Hàng Dương, chị Thùy Anh tìm cách thay thế những đồ vật có thể tái sử dụng như mâm nhôm, lọ hoa, chai nước thủy tinh.
Trước thực trạng rác thải nhựa ngày càng nhiều, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp với một số địa phương trong vùng dự án, thực hiện chương trình truyền thông thay đổi hành vi với thông điệp "kiêng nhựa" hướng đến các tổ chức, doanh nghiệp, người dân địa phương cũng như du khách đến Phú Quốc, Côn Đảo. Chương trình thuộc dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam" - đã triển khai từ năm 2020.
Trong đó, website Kiêng Nhựa là điểm nhấn khi cung cấp công cụ giúp đo lường mức độ ảnh hưởng đến môi trường của từng món đồ như chai nhựa, túi nilon, hộp nhựa, hộp xốp, ly nhựa, đồ chăm sóc vệ sinh dùng một lần... Từ đó, người dùng có thể lựa chọn tiếp tục sử dụng nhựa dùng một lần, hoặc kiêng sử dụng và thay thế bằng các sản phẩm thân thiện hơn.
Website này còn cung cấp thông tin giúp du khách có thể tự đánh giá mức đóng góp trực tiếp của mình vào việc bảo vệ môi trường, điều chỉnh hành vi bằng cách sử dụng đồ nhựa có trách nhiệm hơn, chuẩn bị hành lý với đồ dùng thay thế trong mỗi chuyến du lịch, qua đó góp phần bảo vệ thiên nhiên, hướng tới phát triển bền vững.
PV