Hiện trạng liên kết phát triển sản phẩm du lịch ĐBSCL
So với nhiều vùng khác trong cả nước, ĐBSCL có nhiều yếu tố thuận lợi cho hoạt động liên kết phát triển du lịch: Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp du lịch trong vùng đã được thành lập; hệ thống giao thông vùng được xây dựng, nâng cấp và cải thiện đáng kể, tăng cường kết nối giữa các địa phương trong vùng và nối vùng với các vùng khác, các nước láng giềng; tính cách con người miền Tây cởi mở, sẵn sàng hợp tác và cầu thị…
Thời gian qua, nội dung liên kết vùng đã được nhiều tỉnh, thành quan tâm. Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, các địa phương trong vùng đã có nhiều nỗ lực tăng cường liên kết, hợp tác. Các tỉnh, thành và các bộ, ngành đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết như: Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL hàng năm với chuỗi các sự kiện và chủ đề phát triển du lịch vùng; tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến du lịch vùng. Các địa phương vùng ĐBSCL đã ký kết với nhau và với TP. Hồ Chí Minh các chương trình hợp tác du lịch. Trong đó, tiêu biểu là sản phẩm du lịch “Một điểm đến bốn địa phương+” được công bố và phối hợp thực hiện từ năm 2012 là nỗ lực đáng ghi nhận của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và ngành Du lịch Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu, nơi chiếm hơn 70% lượt du khách toàn vùng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã quan tâm thúc đẩy liên kết vùng ĐBSCL thông qua công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển ngành. Quyết định số 194/QĐ-BVHTTDL ngày 23/1/2015 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt Đề án “Xây dựng sản phẩm đặc thù vùng ĐBSCL” cũng là một nỗ lực quan trọng nhằm tăng cường liên kết phát triển du lịch vùng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tiềm năng du lịch vùng còn chưa được đầu tư khai thác có hiệu quả; chưa có nhiều hành động cụ thể để hiện thực hóa các chương trình, kế hoạch; cách làm du lịch vẫn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp; các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào tự nhiên, thiếu sự đầu tư dài hạn và sự liên kết chặt chẽ trong phát triển sản phẩm du lịch...
Định hướng liên kết phát triển sản phẩm du lịch ĐBSCL
Liên kết tạo sản phẩm đa dạng - sản phẩm du lịch tổng hợp: Hiện nay, hầu hết các tour có thời gian trên 2 ngày tại vùng ĐBSCL chưa có sự kết hợp đa dạng, sản phẩm vẫn có nhiều sự tương đồng nên sức hấp dẫn chưa cao, chưa thu hút du khách trở lại. Vì vậy, cần nghiên cứu hình thành một số sản phẩm du lịch theo dạng liên kết tổng hợp phù hợp với vùng ĐBSCL như liên kết giữa tìm hiểu văn hóa và phương pháp canhtác với tham quan di tích lịch sử; liên kết các hoạt động tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển vùng; liên kết các sản phẩm du lịch đồng bằng với hải đảo; liên kết hoạt động tham quan rừng tràm ngập nước với đời sống người dân mùa nước nổi; liên kết các sản phẩm gắn rừng và ruộng.
Liên kết theo không gian tương đồng: Theo định hướng tổ chức không gian lãnh thổ phù hợp phát triển du lịch, Đề án “Xây dựng sản phẩm đặc thù vùng ĐBSCL” xác định có 4 cụm chính bao gồm: Cụm Trung tâm, Cụm Cà Mau, Cụm Đồng Tháp và Cụm Duyên hải. Trong phạm vi từng cụm với các không gian, điều kiện tiếp cận tương đồng, có thể tập trung khai thác các sản phẩm du lịch liên kết bám theo các tuyến, trục du lịch của từng cụm như liên kết VQG Tràm Chim, Khu BTTN Láng Sen và Xẻo Quýt tại hai tỉnh Đồng Tháp, Long An; liên kết các cồn trên sông Tiền (Long, Lân, Quy, Phụng) tại hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre; liên kết các chợ nổi và khu du lịch dọc kênh Xáng và sông Cần Thơ tại Cần Thơ, Hậu Giang; liên kết Hà Tiên và Rạch Giá trong phạm vi trọng điểm du lịch biển đảo Tây Nam Bộ; liên kết Châu Đốc - Tịnh Biên - Hà Tiên dọc kênh Vĩnh Tế; liên kết Cần Thơ - Long Xuyên - Châu Đốc trên sông Hậu… Các liên kết trong cụm tạo ra các sản phẩm chuyên đề và tổng hợp khác nhau. Ngoài liên kết theo cụm, trong phạm vi cả vùng, cách liên kết sản phẩm có thể thực hiện dọc các tuyến du lịch quốc gia, tuyến du lịch vùng và các tuyến sông lớn của vùng. Với tính chất khá khác biệt của từng cụm trong vùng, việc thực hiện liên kết vùng sẽ tạo ra sự bổ sung phù hợp, tạo sức hấp dẫn.
Liên kết liên vùng: Bên cạnh liên kết theo cụm thì liên kết liên vùng cũng là liên kết quan trọng. Hiện nay, hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều đã có những liên kết hợp tác phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ. Đây là 2 thị trường có nguồn khách nội địa lớn đến ĐBSCL và là cửa ngõ lớn đón khách quốc tế tới vùng.
Liên kết trong tiểu vùng Mê Kông: Sản phẩm du lịch liên kết quốc tế hấp dẫn nhất hiện nay là chương trình du lịch dọc sông Mê Kông từ ĐBSCL qua Phnompenh, Siem Reap (qua biển Hồ) rồi quay lại sông và vượt qua Champasak tới Luang Prabang ở Thượng Lào. Với điều kiện giao thông đường bộ giữa các nước trong khu vực ngày càng thuận lợi, các chương trình kết nối bằng đường bộ giữa ĐBSCL, Campuchia, Thái Lan và Myanmar sẽ ngày càng có điều kiện phát triển. Khi tuyến đường sắt xuyên Á hình thành, đây sẽ là loại hình du lịch liên kết hết sức hấp dẫn. Về đường biển, hiện đã có các chuyến tàu du lịch cao cấp kết nối Phú Quốc với Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc). Với sự cởi mở về các quy định xuất nhập cảnh, loại hình du lịch này sẽ có triển vọng lớn trong khu vực. Về hàng không, theo quy hoạch hàng không, các sân bay Cần Thơ và Phú Quốc sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế, trở thành điều kiện rất thuận lợi cho phát triển du lịch ĐBSCL cũng như cho việc phát triển các sản phẩm liên kết với các quốc gia trong khu vực.
Làm gì để tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch?
Một trong những vấn đề lớn nhất của du lịch ĐBSCL đó là sự giống nhau của các sản phẩm du lịch cũng như hướng phát triển du lịch của mỗi điểm đến trong vùng. Điều này dẫn đến sự chồng chéo, làm giảm tính cạnh tranh của điểm đến, khiến du khách gặp khó khăn trong việc nhận ra nét đặc trưng, độc đáo của từng điểm đến. Vì vậy, cần một cơ chế thích hợp để điều tiết phát triển theo hướng tương thích, bổ trợ chứ không phải cạnh tranh.
Hiện nay, vẫn chưa có một cơ chế pháp lý rõ ràng và một mô hình chỉ đạo, điều phối liên kết vùng thật sự hiệu quả. Các liên kết vừa qua chủ yếu là giữa chính quyền với chính quyền, thông qua ký kết các chương trình hợp tác, dựa vào mối quan hệ giữa các địa phương với nhau. Hầu hết các cam kết này dựa trên sự tự nguyện, thiếu ràng buộc trách nhiệm pháp lý, nên hiệu quả chưa cao. Do vậy trong thời gian tới cần đặt trọng tâm cho liên kết thị trường, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, người làm du lịch, cơ quan truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch theo hướng phát triển các chuỗi giá trị ngành Du lịch và sản phẩm du lịch đặc thù. Trên cơ sở đó, có phân công, phân vai trong liên kết, phát huy lợi thế, khắc phục hạn chế, chia sẻ lợi ích, phát triển bền vững.
Để có thể xây dựng mối liên kết phát triển du lịch vùng tại ĐBSCL cần thành lập một tổ chức đủ mạnh để điều phối các chính sách phát triển và xây dựng một kế hoạch chung, được thực hiện bởi mỗi bên liên quan. Thực thể này phải có thẩm quyền và có thể đưa ra quyết định để hướng dẫn hoặc tác động đến chính sách phát triển du lịch; giải quyết được các vấn đề do sự khác biệt về cấu trúc và văn hóa giữa các địa phương. Chẳng hạn, tổ chức này có thể định hướng một số địa phương tập trung vào du lịch biển đảo (đảo ngọc Phú Quốc), du lịch sinh thái (rừng ngập mặn ở Cà Mau), du lịch miệt vườn sông nước (chợ nổi ở Cần Thơ)… Bằng cách này, mỗi địa phương sẽ có một sản phẩm du lịch đặc trưng, nhấn mạnh được tính độc đáo của mỗi điểm đến riêng lẻ. Từ đó các điểm đến khi hợp tác với nhau sẽ bổ trợ cho nhau, đem lại sự trải nghiệm đa dạng cho du khách, tăng tính cạnh tranh cho toàn bộ khu vực.
Để tạo ra nét riêng cho các chương trình du lịch của các tỉnh trong vùng nên xây dựng các chương trình du lịch tổng hợp, kết nối các nền văn hóa Việt - Hoa - Khmer - Chăm trong các lộ trình thích hợp. Ít nhất trong một chương trình du lịch cũng nên kết nối các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc để tạo ra sự khác biệt, đối sánh, tăng sức hấp dẫn tránh đơn điệu, nhàm chán.
Việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch ở các điểm đến, cơ sở lưu trú, nhà hàng, nơi mua sắm... sẽ tạo ấn tượng tốt cho du khách. Các tỉnh trong vùng ĐBSCL cần đầu tư xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn, khoa học trong từng địa phương và liên tỉnh với lộ trình hợp lý; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù cho toàn vùng và từng địa phương bằng nhiều hình thức. Ngoài ra cần đề xuất những cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ cần thiết nhằm khuyến khích phát triển du lịch ĐBSCL.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
2. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…
ThS. Trần Thanh Thảo Uyên
(Trường Đại học Đồng Tháp)
(Tạp chí Du lịch số tháng 9/2022)