Những năm gần đây, sản phẩm du lịch cưới được xem là chiến lược phát triển của nhiều quốc gia châu Á, nhất là Đông Nam Á, tận dụng ưu thế về tài nguyên tự nhiên biển đảo nhiệt đới, các giá trị văn hóa đặc sắc và chi phí tổ chức sự kiện hấp dẫn. Việt Nam cũng góp mặt trong danh sách những điểm đến cưới được lựa chọn bởi thị trường Bắc Mỹ, châu Á với giá trị ước đạt lần lượt là 28,8 tỉ USD và 23 tỉ USD. Các địa danh Việt Nam được đánh giá phù hợp với du lịch đám cưới như Phú Quốc, Đà Nẵng, Phan Thiết, Ninh Bình... bởi sở hữu thắng cảnh đẹp, đa dạng loại hình nghỉ dưỡng, chất lượng dịch vụ cao cấp... Du lịch đám cưới cũng mang đến hiệu quả lớn về kinh tế cho cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, nhiều năm qua, du lịch đám cưới ở Việt Nam vẫn chưa được chú trọng phát triển.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, xu hướng du lịch lễ cưới trên thế giới thường được tổ chức là những sự kiện nhỏ gọn nhưng ngân sách lớn; chương trình lễ cưới nhiều ngày; lễ cưới tổ chức ngoài trời với sự độc đáo; lễ cưới “bỏ trốn”; lễ cưới thân thiện với môi trường; lễ cưới ở nhiều nơi... Ở Việt Nam, du lịch lễ cưới đang trở thành thị trường ngách hấp dẫn. Khách hàng chính là những người nổi tiếng, các tỷ phú, lãnh đạo các tập đoàn lớn, các KOL... có khả năng chi trả cao; khách tham dự đa dạng, đông, có thể lưu lại điểm đến lâu hơn nên chi phí nhiều hơn. Nếu tổ chức thành công sẽ góp phần quan trọng để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về điểm đến với các thị trường du lịch tiềm năng khác hoặc là tiền đề để mở rộng thị trường. Khách cũng có xu hướng ưu tiên chọn nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành để tổ chức; khách tham dự có thể có kế hoạch kéo dài chuyến đi để có trải nghiệm du lịch sâu sắc hơn tại điểm đến. Đặc biệt, việc tổ chức du lịch lễ cưới thường được lên kế hoạch trước một thời gian dài, nên phát triển du lịch lễ cưới có thể khắc phục tính mùa vụ của điểm đến, khai thác hiệu quả hơn các cơ sở vật chất sẵn có.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến được đưa ra, hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch cưới một cách chuyên nghiệp, đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu khó tính của du khách. Đại diện Emeralda Resort Ninh Bình cho rằng khách du lịch cưới thường không ưu tiên chọn điểm đến, cơ sở lưu trú, hay đơn vị lữ hành để tổ chức mà thường chọn đơn vị tổ chức sự kiện. Bản thân các cơ sở lưu trú, điểm đến, doanh nghiệp lữ hành cũng không cung cấp được các dịch vụ bao quát và tốt nhất cho lễ cưới. Do đó cần có sự kết nối, hợp tác giữa các đơn vị để có thể cung cấp dịch vụ, sản phẩm một cách chuyên nghiệp. Đại diện Sở Du lịch Kiên Giang cho rằng chủ thể khách du lịch cưới đưa ra các yêu cầu về dịch vụ rất cao, thậm chí không tin tưởng, không hài lòng với dịch vụ tại các cơ sở lưu trú cao cấp. Do có cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu nhiều hơn về phong tục cưới các nơi trên thế giới để có sự chia sẻ thông tin, đào tạo nhân lực phù hợp. Cũng có ý kiến cho rằng du lịch cưới đang là xu hướng nổi lên hiện nay, nhưng các đơn vị thực hiện đang tự bơi, tự kết nối thực hiện để tăng nguồn thu cho cá nhân đơn vị; chưa có sự dẫn dắt, quan tâm tạo cơ chế hỗ trợ, quảng bá kết nối từ các cơ quan quản lý... Các ý kiến cũng thống nhất đề xuất việc lựa chọn một số điểm đến tiêu chuẩn để tổ chức thí điểm; xây dựng tiêu chí, có cơ chế hỗ trợ; có chiến lược phát triển và quảng bá đồng bộ trên cơ sở phân loại thị trường nguồn; phát triển dịch vụ đa dạng theo nhu cầu của du khách...
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc nghiên cứu xu hướng phát triển của loại hình du lịch gắn với tổ chức lễ cưới ở Việt Nam là xuất phát từ thực tiễn nhằm đề xuất các giải pháp phát triển, đặc biệt là trên phương diện chính sách. Xu hướng này ở Việt Nam hiện chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chính sách hỗ trợ phát triển để tạo thành sản phẩm. “Các ý kiến tham luận tại hội thảo đã góp phần đánh giá tiềm năng, hiện trạng cũng như góp ý việc đưa ra định hướng, giải pháp phát triển du lịch cưới. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch sẽ tổng hợp các ý kiến, trên cơ sở đó đề xuất với lãnh đạo đưa ra những giải pháp, chính sách đồng bộ. Từ đó thúc đẩy phát triển một cách đồng bộ, chuyên nghiệp, có đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực” – ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thanh Hoàng