Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu; trong khói thuốc lá có 69 chất gây ung thư, bệnh tim mạch, hô hấp cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản cả nam và nữ. Việc sử dụng thuốc lá đã gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 khu vực ASEAN. WHO cũng chỉ ra rằng, Việt Nam dù có nhiều chính sách hạn chế thuốc lá nhưng các chính sách đó bão hòa đã khiến cho việc sử dụng thuốc lá đang tăng dần gần đây. Điều này kéo theo chi phí y tế do hút thuốc lá tăng nhiều, bao gồm chi phí y tế trực tiếp, chi phí gián tiếp do mắc các bệnh từ hút thuốc và chi phí gián tiếp do tử vong từ việc hút thuốc (tổng chi phí là gần 148 nghìn tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với thu thuế từ thuốc lá khoảng 19 nghìn tỷ đồng).
WHO khuyến cáo nên tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá theo mức thuế tuyệt đối là 15.000 đồng/bao cộng với 75% giá xuất xưởng vào năm 2030. Như vậy, doanh thu thuế của Chính phủ năm 2030 sẽ tăng 169% so với năm 2021 (tương đương thêm 29,3 nghìn tỷ đồng). Đặc biệt, chính sách tăng thuế sẽ làm số người hút thuốc lá vào năm 2030 giảm 696 nghìn người so với năm 2021. Tiến sỹ Angela Pratt – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh về mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang bắt đầu tăng trở lại khi tổng sản lượng sản xuất giai đoạn 2022-2023 đã tăng hơn 10%. Tiến sỹ Angela Pratt cũng đánh giá cao việc Bộ Tài chính đưa ra dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, là bước đi đúng hướng nhằm hướng đến mục tiêu quốc gia giảm tỉ lệ hút thuốc lá của nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã nghe các diễn giả chia sẻ thông tin về gánh nặng bệnh tật, kinh tế do sử dụng thuốc lá; vai trò của chính sách thuế thuốc lá và khuyến nghị cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được nghe quan điểm của Bộ Y tế đối với thuế thuốc lá tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Thị Nhị Thủy, đứng trước tác hại về sức khỏe, tổn thất về kinh tế do việc hút thuốc lá gây ra, Quốc hội đã có ý kiến và đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có gas, thuốc lá... để hạn chế tiêu dùng trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Bà Trần Thị Nhị Thủy cũng dẫn Nghị quyết số 129/2024/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 cho biết Quốc hội cho ý kiến Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Bà Trần Thị Nhị Thủy đồng thời cho biết, việc tổ chức Hội thảo nhằm truyền thông về tác hại của thuốc lá cũng như tác dụng của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nhằm góp phần kiểm soát hành vi hút thuốc lá, bảo vệ sức khỏe của toàn xã hội. Thông qua những chia sẻ thông tin thuyết phục đã được kiểm chứng của các chuyên gia, chúng ta có thể truyền thông thuyết phục về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát hiệu quả về tiêu dùng thuốc lá tại Việt Nam. “Chúng tôi hy vọng việc hiểu rõ và truyền tải tích cực về những thông tin có cơ sở tin cậy trên báo chí sẽ là nguồn thông tin để các đại biểu quốc hội có những thảo luận, đưa ra thông tin, ý kiến xác đáng đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi trong thời gian tới. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá kéo theo giá bán lẻ tăng, góp phần ngăn cản người tiêu dùng, thanh thiếu niên, người có thu nhập thấp mua và sử dụng thuốc lá. Giá thuốc lá cao cũng góp phần giảm tiêu thụ hoặc bỏ thuốc lá trong một số người hiện tại. Giá thuốc lá cao đồng thời góp phần giảm sự hút thuốc trong thanh thiếu niên hoặc những người bắt đầu hút thuốc” - Bà Trần Thị Nhị Thủy nhấn mạnh.
Phước Hà