Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt khẳng định trước những thách thức và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đã chủ động, linh hoạt thích ứng, triển khai nhiều giải pháp ứng phó với đại dịch.
Quyết định mở cửa lại du lịch quốc tế của Chính phủ Việt Nam từ ngày 15/3/2022 là hết sức quan trọng, đúng thời điểm, được đưa ra trên cơ sở những nền tảng vững chắc và những bài học quan trọng rút ra trong công tác phòng, chống dịch và thí điểm đón khách quốc tế. Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới ghi nhận là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên dỡ bỏ hoàn toàn các rào cản đi lại liên quan đến COVID-19.
Theo số liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới, trong năm 2019, du khách từ các quốc gia Hội đồng hợp tác vùng Vịnh đi du lịch nước ngoài khoảng 60 triệu lượt, chi tiêu trên 82 tỷ USD. Các nước GCC cũng được xác định là thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam.
Trong đó Việt Nam đang trở thành điểm đến ngày một phổ biến và hấp dẫn du khách Hồi giáo từ Trung Đông, Nam Á với nhiều loại hình du lịch đa dạng, trong đó có du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch golf, du lịch văn hóa và du lịch mua sắm…..
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt kỳ vọng, hội nghị sẽ là cầu nối cho các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, các hãng hàng không giữa Việt Nam và các nước thành viên GCC để củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác; tìm kiếm, trao đổi, kết nối các cơ hội kinh doanh mới; tạo đà cho sự phát triển của du lịch Việt Nam cũng như của các đối tác, các quốc gia tham dự Hội nghị, tôi đề nghị các diễn giả và toàn thể các quý vị đại biểu hãy tập trung đánh giá, phân tích sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam với các nước thành viên GCC, cũng như sức hấp dẫn của các nước thành viên GCC với Việt Nam; cùng đó, phân tích thực trạng và thảo luận định hướng, đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác về du lịch giữa Việt Nam và các nước GCC.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu hy vọng, Hội nghị sẽ góp phần tìm ra những hướng đi mới, giải pháp mới nhằm tạo đột phá trong hợp tác du lịch giữa Việt Nam và các nước GCC, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp và gia tăng hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên trong thời gian tới.
Tại hội nghị, các ý kiến thảo luận thống nhất nhận định về tiềm năng thúc đẩy hợp tác du lịch giữa Việt Nam và các nước GCC. Tuy nhiên, lượng khách du lịch từ khu vực này đến Việt Nam thời gian qua còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, chỉ ở mức khoảng 6.000 người/năm.
Theo đó các đại biểu cũng đưa ra nhiều sáng kiến cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác du lịch giữa Việt Nam và các nước GCC, trong đó có việc tăng cường tần suất và hiệu quả các hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam tại khu vực, xây dựng các gói dịchvụ du lịch phù hợp với tiêu chuẩn Hồi giáo Halal, gia tăng các đường bay trực tiếp giữa hai bên, đa dạng hoá hình thức vận chuyển khách như đường hàng không, đường thuỷ, chuẩn bị nguồn nhân lực thông thạo về ngôn ngữ, văn hoá Hồi giáo, đơn giản hoá thủ tục cấp thị thực…
Tại Hội nghị, một số đại biểu đã trao đổi và tìm hiểu khả năng hợp tác đầu tư giữa hai bên vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, qua các bài tham luận và ý kiến trao đổi tại hội nghị đã một lần nữa khẳng định tiềm năng, khả năng hợp tác phát triển du lịch giữa Việt Nam và các nước GCC. Các ý kiến cũng cho thấy hợp tác du lịch, đặc biệt là trao đổi khách giữa hai bên vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế như thiếu định hướng chính sách cụ thể; các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa thực sự quan tâm đầu tư, bàn giải pháp để có thể khai thác hiệu quả thị trường GCC; khách du lịch tại thị trường GCC còn rất thiếu các thông tin chung về đất nước, văn hóa cũng như về các sản phẩm, dịch vụ của du lịch Việt Nam; việc kết nối doanh nghiệp giữa hai nước chưa thực sự hiệu quả; cơ sở vật chất phục vụ khách đạo Hồi vẫn còn chưa phong phú, đa dạng; nguồn nhân lực du lịch phục vụ khách chưa có sự đào tạo bài bản, chuyên nghiệp...
Thời gian tới để có thể hiện thực hóa các định hướng chiến lược phát triển du lịch cũng như mong muốn của các bên, thông qua Hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đã đưa ra một số đề xuất cụ thể, trong đó Chính phủ, các Bộ, ngành cần phải có những chính sách cụ thể, tạo điều kiện, cơ chế hơn nữa thu hút các nhà đầu tư khách du lịch từ thị trường GCC nói riêng và Trung Đông nói chung; phát huy vai trò chủ động của các địa phương, doanh nghiệp để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch từ các nước GCC, đảm bảo môi trường an toàn, thân thiện, tạo cảm giác thoải mái cho du khách khi tới du lịch Việt Nam.
Đồng thời, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh mong muốn Bộ Ngoại giao, đặc biệt là cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước GCC tiếp tục hỗ trợ để có thêm thông tin về thị trường khách, các nhu cầu, xu hướng và cách thức để có thể khai thác, phục vụ hiệu quả hơn thị trường khách tiềm năng này. Tổng cục Du lịch sẽ trao đổi, đề xuất để có những kế hoạch cũng như nguồn lực để có nhiều hơn các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam nhiều hơn. Đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động marketing điện tử trong phát triển thị trường, xúc tiến thông qua các kênh quảng bá trực tuyến, mạng xã hội…
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước GCC, các đối tác để thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch hai chiều giữa Việt Nam - các nước GCC nói riêng và thị trường khách du lịch khu vực Trung Đông nói chung trong thời gian tới, từng bước cụ thể hóa định hướng của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thu Thảo