Tìm giải pháp khai thác giá trị trò chơi, trò diễn dân gian trong phát triển du lịch
Theo khảo sát sơ bộ của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, có 30% khách du lịch đến vùng đồng bằng sông Hồng có sở thích xem các trò diễn hoặc tham gia các trò chơi dân gian; 50% khách thỉnh thoảng xem hoặc tham gia. Nghiên cứu cũng cho thấy du khách xem hoặc tham gia các TCTDDG là do một số trò chơi chưa đảm bảo an toàn; khó tham gia; chi phí cao; có một số trò chơi, trò diễn nhàm chán. Lượng khách tham gia cũng chỉ đi du lịch vào mùa lễ hội là chủ yếu; khách quốc tế tham gia nhiều hơn khách nội địa. Phần lớn doanh nghiệp cho biết doanh thu của doanh nghiệp từ việc khai thác hoạt động TCTDDG phục vu du khách chiếm tỷ trọng thấp, chỉ từ 10%-20%; có 7% doanh nghiệp có doanh thu từ việc khai thác hoạt động TCTDDG chiếm đến 50% tổng doanh thu.
Cũng theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, để khai thác hiệu quả giá trị các TCTDDG trong phát triển du lịch, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản về cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư, liên kết xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch; phát triển thị trường, xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Cùng với đó, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm; bảo tồn, phát huy giá trị các văn hóa dân gian.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến được đưa ra đánh giá cao giá trị của các TCTDDG trong khai thác phục vụ du khách. Tuy nhiên, các ý kiến cũng ghi nhận thực tế là lượng khách quốc tế tham gia các TCTDDG nhiều hơn khách nội địa. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng TS. Trần Hữu Sơn cho rằng cần khai thác giá trị của các TCTDDG theo hướng phi thời gian, phi không gian để phục vụ khách du lịch. Theo TS. Trần Hữu Sơn, phải biến “cái giá trị” thành vấn đề thực tiễn doanh nghiệp cần trong khai thác phục vụ khách du lịch. Trưởng khoa Văn hóa Du lịch – Đại học Văn hóa Hà Nội Bùi Thu Thủy cho rằng cần làm rõ khái niệm về trò chơi và trò diễn, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp. Theo TS. Bùi Thu Thủy, các trò diễn dân gian thường có 3 nhóm chủ yếu là tín ngưỡng, thể lực và giải trí. “Cần dựa trên các nhóm trò diễn để xây dựng những sản phẩm đặc thù khai thác phục vụ du khách” - TS. Bùi Thu Thủy nêu quan điểm.
Trong khi đó, GS. Nguyễn Văn Đính cho rằng, cần tìm ra nguyên nhân khách quan vì sao các TCTDDG chưa được khai thác nhiều trong phục vụ du lịch; cần phải nghiên cứu theo hướng phát huy tính hữu ích; chỉ rõ đối tượng khai thác, khai thác thế nào, đặc biệt là phát huy vai trò của doanh nghiệp lữ hành. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hùng – Giám đốc Công ty Indochina Journey cho rằng, có một thực tế lượng khách quốc tham gia các TCTDDG nhiều hơn khách nội địa. Phải chăng do mặt trái của việc phát triển công nghệ thông tin khiến nhiều người Việt Nam tìm kiếm cách giải trí trên thiết bị di động thay vì trải nghiệm các TCTDDG? Hay do khách quốc tế tò mò nhiều về các TCTDDG của Việt Nam?
Theo TS. Trương Sỹ Vinh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, một trong những điểm yếu của vùng du lịch đồng bằng sông Hồng là khai thác giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa phi vật thể. Nhu cầu phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch, trong đó có sản phẩm du lịch được khai thác từ giá trị văn hóa là vấn đề đã được đặt ra từ lâu trong quy hoạch, định hướng cũng như Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển đồng bằng sông Hồng. “Thông qua hội thảo, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tiếp thu và đánh giá cao các ý kiến với nhiều ý nghĩa tích cực, đi thẳng vào vấn đề quan tâm hướng đến việc khai thác các giá trị TCTDDG trong phục vụ du khách. Viện Nghiên cứu phát triển du lịch sẽ nghiên cứu, cân nhắc bổ sung các ý kiến thích hợp để đưa ra được những giải pháp hài hòa trong phát triển văn hóa và du lịch” – TS. Trương Sỹ Vinh chia sẻ.
Thanh Minh