Vườn quốc gia Cát Tiên đạt danh hiệu Danh lục Xanh: Cần tăng cường công tác bảo tồn
*Được biết, IUCN vừa công nhận VQG Cát Tiên là khu bảo tồn thứ 72 trên thế giới đạt danh hiệu Danh lục Xanh. Ông có thể chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình khi VQG Cát Tiên chính thức nhận được danh hiệu này?
Kể từ năm 2016, khi Chương trình Danh lục Xanh IUCN bắt đầu khởi động, với mong muốn tăng cường hơn nữa tính hiệu quả trong quản lý bảo tồn, VQG Cát Tiên đã tự nguyện theo đuổi 17 tiêu chí với 50 chỉ số của Chương trình. Đến hôm nay, VQG Cát Tiên đã vinh dự được ghi danh vào Danh Lục Xanh IUCN để trở thành VQG đầu tiên và là khu bảo tồn thứ hai của Việt Nam đạt danh hiệu uy tín này.
Đây là thành quả của một quá trình lâu dài, kiên trì, sự quyết tâm của Ban Giám đốc và tập thể cán bộ, nhân viên VQG; sự chỉ đạo và giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của các bộ, ngành liên quan, chính quyền và nhân dân địa phương, các chuyên gia IUCN và nhóm chuyên gia EAGL Việt Nam, chuyên gia thẩm định ASI, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong việc giúp Vườn tăng cường hiệu quả quản trị và quản lý.
*Để đạt được danh hiệu Danh lục Xanh IUCN, VQG Cát Tiên đã phải đáp ứng được những tiêu chí nghiêm ngặt gì, thưa ông?
Danh lục Xanh IUCN là một bộ tiêu chuẩn toàn cầu cho các khu bảo vệ và bảo tồn, cung cấp thước đo thành công trong bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
Ngày 21/6/2024, VQG Cát Tiên chính thức được đón nhận danh hiệu Danh lục Xanh IUCN. Để đạt được danh hiệu này, Vườn phải chứng minh làm tốt 50 chỉ số của 17 chỉ tiêu và 4 hợp phần: Quản trị tốt, Thiết kế và Lập kế hoạch tốt, Quản lý hiệu quả, Kết quả bảo tồn thành công.
Danh hiệu Danh lục Xanh IUCN là một sự thừa nhận toàn cầu cho những nỗ lực bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học ở VQG Cát Tiên; chứng minh tính hiệu quả trong công tác quản lý của VQG Cát Tiên, các chủ trương chính sách của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng dạng sinh học.
*VQG Cát Tiên đạt danh hiệu Danh lục Xanh IUCN vừa là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm to lớn trong công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Ông có thể cho biết kế hoạch bảo tồn VQG Cát Tiên của Ban Quản lý trong tương lai?
Danh lục Xanh được IUCN công nhận có giá trị trong vòng 5 năm, sau đó các khu bảo tồn sẽ được IUCN xem xét đánh giá lại các tiêu chí xem có thể duy trì được danh hiệu hay không. Vì vậy, để tiếp tục duy trì danh hiệu, VQG Cát Tiên cần duy trì hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng và phục hồi đa dạng sinh học thông qua việc xây dựng kế hoạch tiếp tục cập nhật và bổ sung tài liệu, tuân thủ thực hiện các điều kiện và khuyến nghị của IUCN; duy trì các giá trị tự nhiên, văn hóa và dịch vụ hệ sinh thái; duy trì các thành tựu về quản trị, bảo tồn và lợi ích cho cộng đồng; duy trì và tăng độ che phủ rừng; duy trì diện tích và chất lượng hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái đất ngập nước, trảng cỏ, ngăn chặn được sự lây lan của các loài ngoại lai xâm hại; tăng số đàn và cá thể các loài quan trọng. Bên cạnh đó, Ban Quản lý sẽ chú trọng quảng bá, giới thiệu hình ảnh VQG Cát Tiên là địa điểm Danh lục Xanh; đồng thời, cung cấp thành quả và kinh nghiệm của Vườn cho các khu bảo vệ khác ở Việt Nam và trên toàn thế giới để hỗ trợ họ tăng cường quản trị, quản lý và phát triển năng lực cần thiết.
*VQG Cát Tiên đang có những bước đi như thế nào để đẩy mạnh khai thác phát triển du lịch, thưa ông?
Phát triển du lịch sinh thái là một trong những chính sách quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của VQG Cát Tiên.
Trong những năm gần đây, lượng khách đến tham quan, du lịch sinh thái tại VQG Cát Tiên có sự tăng trưởng rõ rệt, điều này thể hiện xu hướng và sự quan tâm nhiều hơn của cộng đồng, của cư dân thành thị đối với thiên nhiên. Khi ở trong rừng, tắm mình trong không khí trong lành của thiên nhiên, tiếp xúc với âm thanh và hình ảnh tự nhiên có thể giúp con người cảm nhận sâu sắc hơn về bản thân, về vòng đời tự nhiên và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các thành viên trong hệ sinh thái.
Theo quy định của pháp luật, VQG Cát Tiên được phép sử dụng một phần doanh thu từ du lịch để bổ sung cho nguồn ngân sách nhà nước và sử dụng cho các hoạt động bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học. Ngoài ra, du lịch sinh thái còn giúp phát triển kinh tế vùng đệm, hình thành các vùng phục vụ du khách ở vùng đệm từ đó đem lại những lợi ích vô cùng to lớn.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững, cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, Vườn đang thực hiện theo một số nhiệm vụ trọng tâm:
Quản lý và bảo tồn môi trường tự nhiên: Đây là yếu tố cốt lõi để đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của du lịch sinh thái. Toàn bộ diện tích của rừng đã được quy hoạch thành các phân khu, được quản lý một cách khoa học và bền vững. Hoạt động du lịch chủ yếu diễn ra ở phân khu hành chính dịch vụ và có giám sát chặt chẽ để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Giáo dục và tăng cường nhận thức: Để đảm bảo sự thành công của du lịch sinh thái, cần tăng cường giáo dục và nhận thức cho cả du khách và cộng đồng địa phương về giá trị của rừng và các hệ sinh thái tự nhiên. Vườn cũng đang thực hiện nhiều chương trình giáo dục và tuyên truyền về bảo tồn môi trường để giúp nâng cao ý thức và hành động bảo vệ đối với cộng đồng địa phương cũng như khách du lịch.
Phát triển bền vững và công bằng: Nhận thức được du lịch sinh thái sẽ mang lại lợi ích cho cả môi trường và cộng đồng địa phương, Vườn đã hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh bền vững và công bằng đối với cộng đồng vùng đệm. Các hoạt động du lịch đã thực sự mang lại lợi ích kinh tế công bằng cho cộng đồng địa phương, bao gồm cơ hội việc làm và thu nhập ổn định.
Hợp tác đa phương: Đây là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển du lịch sinh thái và bảo vệ rừng. Vườn đang hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, Chính phủ, địa phương, các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng để đưa ra các chiến lược và chính sách hiệu quả.
*Nếu được nhắn gửi một điều quan trọng đến với du khách khi tới tham quan, khám phá VQG Cát Tiên, ông sẽ nói điều gì?
Xin mượn một câu nói của nhà văn và triết gia người Mỹ, Gary Snyder: “Thiên nhiên không phải là nơi chúng ta đến, mà là nơi chúng ta thuộc về”. Như vậy, chúng ta không nên xem thiên nhiên là một nơi du lịch hay điểm đến thuần tuý, thay vào đó phải thấu hiểu rằng chúng ta là một phần của thiên nhiên, và sự sống của chúng ta liên kết mật thiết với sự sống của môi trường tự nhiên. Điều này cho thấy sự quan trọng của việc tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên, bởi vì nếu không có thiên nhiên, chúng ta sẽ không thể tồn tại.
Bảo vệ VQG Cát Tiên không chỉ là công việc chuyên môn của những người gác rừng như chúng tôi mà còn là trách nhiệm chung, là điều mà tất cả chúng ta có quyền được làm…
*Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!
Kim Oanh (thực hiện)