Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) nhìn nhận ô nhiễm rác thải nhựa là một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được WWF Việt Nam xây dựng để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của ô nhiễm nhựa. Một trong những mục tiêu quan trọng của Dự án nhằm hướng tới xây dựng các đô thị giảm nhựa tại Việt Nam, trong đó Côn Đảo đã ký cam kết trở thành Đô thị giảm nhựa tại Việt Nam vào 26/3/2023.
Nâng cao hiểu biết của khách du lịch và người dân
Tại Côn Đảo, khách du lịch chủ yếu đến các địa điểm tâm linh và thường gây phát sinh nhiều nhựa dùng một lần cũng như việc cúng, đốt hàng mã đã gây ra ô nhiễm không khí. Theo thống kê kiểm toán rác năm 2023 thực hiện bởi WWF Việt Nam, số rác phát sinh tại nghĩa trang Hàng Dương trung bình mỗi ngày là 3,75 tấn rác. Tổng khối lượng rác lộ thiên trên Côn Đảo tính đến năm 2023 là hơn 70.000 tấn.
Để giải quyết tình trạng này, chính quyền và các cơ quan địa phương dù đã ban hành các quy định cấm mang nhựa dùng một lần, hạn chế cúng, đốt hàng mã tại nghĩa trang Hàng Dương và các điểm du lịch tâm linh khác. Tuy nhiên, du khách và người dân tại Côn Đảo còn nhiều rào cản trong đón nhận và thực hiện các quy định này.
Trước thực trạng đó, WWF Việt Nam phối hợp với Ban quản lý (BQL) Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo, Vườn quốc gia Côn Đảo, Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia xây dựng kế hoạch truyền thông năm 2024 tại Côn Đảo nhằm thực hiện các nỗ lực vận động giảm nhựa tại các tuyến điểm, địa điểm du lịch nhằm nâng cao hiểu biết của khách du lịch và người dân về các quy định hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần; hạn chế cúng, đốt hàng mã tại các điểm du lịch trên Côn Đảo; đồng thời, khuyến khích các hành vi giảm sử dụng nhựa dùng một lần trong du lịch và cúng lễ, đốt hàng mã tại các địa điểm du lịch tâm linh.
Mục tiêu truyền thông ưu tiên nâng cao hiểu biết về quy định liên quan đến nhựa dùng một lần tại Côn Đảo, đồng thời hướng đến thúc đẩy khách du lịch hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần và tiến tới loại bỏ hiệu quả 50% nhựa dùng một lần vào năm 2025. Các sản phẩm nhựa dùng một lần bao gồm: túi ni-lông khó phân hủy; chai, cốc, ly, ống hút bằng nhựa; hộp xốp, nhựa đựng thức ăn; dụng cụ ăn uống bằng nhựa; khay nhựa đồ lễ; bao bì nhựa khó phân hủy dùng gói hoa, trái cây; gói nhang/hương; gói vàng mã; bao bì nhựa khó phân hủy dùng gói hoa, trái cây.
Đối tượng truyền thông hướng đến chủ yếu là người trẻ có độ tuổi từ 20 – 35, người làm văn phòng, chủ doanh nghiệp, kinh doanh đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây; những nhóm bạn hoặc gia đình đi tham quan cảnh sắc thiên nhiên, các hoạt động trải nghiệm sinh thái tại Côn Đảo.
Để tiếp tục thay đổi nhận thức cho khách du lịch, trong năm 2024, tổ chức WWF Việt Nam đã xây dựng và chia 3 giai đoạn truyền thông phù hợp với 3 giai đoạn của du lịch tại Côn Đảo với những ngày đặc biệt.
Giai đoạn 1 (1/1-15/3): Du lịch tâm linh đầu năm (dịp giỗ cô Sáu; đầu năm - rằm tháng riêng) với các hoạt động như Cuộc thi “Giỏ lễ xanh”, ấn phẩm lắp đặt, mạng xã hội, website. Tại giai đoạn này, khách du lịch tại Côn Đảo chủ yếu là khách du lịch tâm linh vào ngày giỗ cô Sáu và đi lễ đầu năm âm lịch. Giai đoạn 2 (15/3-15/9): Cao điểm du lịch tâm linh và sinh thái trong năm với các hoạt động “Thử thách dấu vân tay”, “tour du lịch xanh”, tiêu chuẩn Dấu ấn xanh, Bộ huy hiệuvà poscart. Đây là giai đoạn hợp lý để đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên đảo, áp dụng chiến thuật Push - Pull và Bombarded để xoay vòng khách du lịch trong thông điệp về quy định giảm nhựa. Giai đoạn 3 (15/9-31/12) với các hoạt động như Tiêu chuẩn Dấu ấn xanh; Tuần lễ ngưng nhựa,...
Kết quả cho thấy, qua 2 giai đoạn triển khai, mức độ ảnh hưởng và khả năng ảnh hưởng tác động đến nhận thức và hành vi của khách du lịch trong giảm thiểu rác thải nhựa tại Côn Đảo đã có độ lan tỏa nhanh, sâu rộng. Du khách Lã Thị Hòa Bình (Ninh Bình) cho biết: “Số lượng đồ lễ không phải minh chứng cho lòng thành kính. Càng không phải là sự đảm bảo việc nhận được tài lộc. Thay vào đó, việc dùng những “đồ lễ xanh” mới là cách bạn thể hiện lòng thành kính. Vì đó là cách bảo vệ sự trang nghiêm của những địa điểm tâm linh tại Côn Đảo. Bằng cách để lại những dấu ấn xanh, bạn sẽ nhận được những giá trị tốt đẹp hơn”.
|
Côn Đảo là hòn đảo của những dấu ấn xanh. Đó là minh chứng cho những nỗ lực giảm nhựa, để Côn Đảo trở thành hòn đảo du lịch nói không với rác nhựa. Vậy nên, khi du lịch tại Côn Đảo, bạn hãy chọn phong cách du lịch giảm nhựa để bảo vệ sự linh thiêng, bảo vệ thiên nhiên, để giữ những dấu ấn xanh ấy mãi ở lại Côn Đảo. |
Kinh nghiệm và bài học
Những nội dung WWF Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên qua tại Côn Đảo thực hiện đã thành công trong thúc đẩy địa phương sử dụng sản phẩm sáng tạo thay đổi hành vi và tiếp tục duy trì sau khi chiến dịch kết thúc. Đó là việc triển khai Giỏ lễ xanh và Máy đo chất lượng không khí. Các nội dung trên mạng xã hội cũng có lượng tương tác tốt và có nhiều nội dung tham gia cuộc thi chất lượng từ khách du lịch. BQL Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo và Vườn Quốc gia Côn Đảo đã chủ động ứng dụng kiến thức được tập huấn cho các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội; hỗ trợ tốt cho các đơn vị huy động nguồn lực bổ sung từ ngân sách để cùng thực hiện chiến dịch.
Để làm tốt hơn, WWF Việt Nam đã đưa ra khuyến nghị, cần bổ sung các hoạt động trực tiếp trên Côn Đảo khi thực hiện thử thách Dấu tay xanh. Đó là việc lựa chọn và phối hợp tốt hơn với nhóm cộng đồng phù hợp trên Facebook để tăng sự lan tỏa của chiến dịch. Thời gian thực hiện thử thách nên tập trung xung quanh ngày có sự kiện đặc biệt ở Côn Đảo. Đa dạng các kênh truyền tải thông điệp hơn như quảng cáo trên Google, các video trên Youtube, các hoạt động cộng đồng trực tiếp, kênh truyền thông của các cơ sở kinh doanh du lịch trên Côn Đảo.
Theo WWF Việt Nam, quá trình xây dựng kế hoạch cần có sự tham gia của các địa phương để có quyết tâm, có định hướng chính sách rõ ràng. Bên cạnh đó, cần xây dựng Đề án kinh tế tổng hợp “Nói không với đốt hàng mã và sản phẩm nhựa dùng một lần”. Xác định rõ các đối tác chiến lược với vai trò và trách nhiệm rõ ràng trong chiến dịch. Đồng thời, duy trì các hoạt động có tính tiếp nối như tiếp tục mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương (Kể chuyện bằng video, Kỹ năng lập kế hoạch truyền thông, Kỹ năng viết bài truyền thông,…)
PV