Phân mảng của cung du lịch
Khách du lịch khi đến một điểm du lịch không bao giờ chỉ sử dụng một sản phẩm hoặc dịch vụ riêng lẻ mà tập hợp của nhiều dịch vụ và sản phẩm khác nhau để tạo nên các trải nghiệm của khách tại điểm đến. Do đó, sản phẩm là sự tổng hợp, sự kết hợp của nhiều nhà cung cấp các dịch vụ khác nhau như: các hãng hàng không, các phương tiện vận chuyển khác, các khách sạn, nhà hàng, viện bảo tàng, nhà hát, thậm chí là cả các cơ quan chính phủ trong việc cung cấp thị thực (visa) khách nước ngoài. Đây là một tính năng quan trọng của sản phẩm du lịch. Bản chất phân mảng cung du lịch là tạo ra sự hợp tác và phối hợp của tất cả các chủ thể trên để xây dựng một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh và có chất lượng cao.
Sự bổ trợ và phụ thuộc lẫn nhau của các dịch vụ du lịch
Nhu cầu du lịch là nhu cầu về sự kết hợp của các sản phẩm dịch vụ và hàng hóa, vì thế các sản phẩm và hàng hóa phục vụ nhu cầu du lịch có sự phụ thuộc và bổ sung lẫn nhau. Danh tiếng của một điểm đến du lịch chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở liên kết trong chuỗi sản phẩm và hàng hóa phục vụ du lịch. Việc xây dựng tiêu chuẩn quy định để nâng cao chất lượng cung của các yếu tố trong chuỗi các sản phẩm du lịch tại điểm đến là yếu tố quan trọng. Yếu tố này đòi hỏi vai trò của Chính phủ hoặc một tổ chức quản trị kinh doanh điểm đến đủ mạnh.
Sự kém linh hoạt của cung du lịch
Các yếu tố trong cung du lịch không dễ được điều chỉnh nhanh chóng để đáp ứng với sự thay đổi của nhu cầu du lịch. Ví dụ, một khách sạn không dễ để có thể thêm hoặc loại bỏ các buồng để phù hợp với nhu cầu của khách. Khi nhu cầu du lịch giảm xuống dưới mức công suất sẽ dẫn đến sự lãng phí cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn vốn và lực lượng lao động và ngược lại khi nhu cầu du lịch vượt quá khả năng, ngành Du lịch không thể tối đa hóa doanh thu của mình được. Sự vượt quá khả năng không thể khắc phục được ngay mà phải kéo dài trong nhiều năm nếu rơi vào trường hợp vượt quá công suất của khách sạn, sân bay…
Thời gian chuẩn bị dài
Đối với một số dự án du lịch lớn, thời gian chuẩn bị cho việc phát triển sản phẩm có thể mất một vài năm hoặc ngay cả những điểm tham quan hoặc dự án có quy mô nhỏ, quá trình này cũng cần một khoảng thời gian tương đối dài, từ việc quy hoạch phát triển, lập kế hoạch, phê duyệt dự án, nghiên cứu tiền khả thi, xây dựng, tuyển dụng và đào tạo nhân viên… Do vậy, các ý tưởng phát triển sản phẩm du lịch mới dễ bị các đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc gây bất lợi. Vì thế, sự linh hoạt và hiệu quả trong việc xử lý quy hoạch cho các điểm đến du lịch mới cần nhận được sự ưu tiên của các cơ quan quản lý nhà nước.
Quy hoạch phát triển sản phẩm dựa trên các dự báo thực tế về nhu cầu
Yếu tố chính hình thành lên các sản phẩm du lịch chủ yếu là các dịch vụ, nó không thể lưu kho được và không thể mang đi nơi khác bán được. Ví dụ, nếu một buồng trong khách sạn hoặc chương trình du lịch trọn gói không được sử dụng, cơ hội bán hàng sẽ bị mất. Sản phẩm du lịch ở đây khác với sản phẩm hàng hóa thông thường là khách hàng phải tìm đến nơi có sản phẩm. Do vậy, để có thể đạt được công suất sử dụng các sản phẩm du lịch cao nhất, việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch phải căn cứ trên các dự báo thực tế về nhu cầu.
Các yếu tố phi vật thể - "Mong muốn - Sự trải nghiệm - Ký ức"
Sản phẩm du lịch, ngoại trừ mặt hàng như đồ lưu niệm, các món ăn, đồ uống và một số hàng hóa khác, chủ yếu là các dịch vụ. Dịch vụ có tính vô hình và được cảm nhận một cách chủ quan từ cá nhân khách du lịch khác nhau. Sự cảm nhận liên quan đến cả các yếu tố tâm lý và cảm xúc của khách hàng. Vì vậy, việc nhận thức được điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch.
Với tính chất vô hình của sản phẩm du lịch, muốn phát triển sản phẩm du lịch đòi hỏi phải nghiên cứu nhu cầu của khách du lịch dự trên 3 yếu tố: Mong muốn - Sự trải nghiệm và Ký ức. Điều này rất quan trọng không chỉ với cả các nhà quản lý du lịch mang tính quốc gia mà cả đối với các cơ sở kinh doanh vi mô như: các điểm tham quan, các nhà hàng, cơ sở lưu trú du lịch…
Sự linh hoạt về giá trong cầu du lịch
Nhu cầu du lịch về du lịch được hình thành bới 4 yếu tố, đó là thời gian nhàn rỗi của con người, khả năng tài chính, sức khỏe và động cơ, mong muốn đi du lịch. Trong 4 yếu tố trên, hai yếu tố thời gian nhàn rỗi và khả năng tài chính của khách đóng một vai trò quan trọng trong phát triển sản phẩm du lịch. Họ có quyền tự do lựa chọn cách sử dụng tiền bạc và thời gian của họ cho mục đích du lịch như: đi đâu, đi bao lâu, chi tiêu bao nhiêu cho một chuyến đi… Vì thể, khách du lịch có nhạy cảm cao đối với giá cả trong sản phẩm du lịch. Nhu cầu về du lịch của họ đối với các dịch vụ du lịch thể hiện trong sự linh hoạt về giá của các cơ sở kinh doanh trong điểm đến du lịch.
Tính mùa vụ trong hoạt động kinh doanh du lịch
Tính mùa vụ trong hoạt động du lịch có ảnh hưởng đến sự biến động của nhu cầu du lịch trong năm. Yếu tố chủ yếu quyết định tính mùa vụ ở đây là thời tiết tại các điểm đến hoặc tại thị trường nguồn khách du lịch. Ví dụ: Những người của khu vực châu Âu và Bắc Mỹ có xu hướng chỉ đi du lịch trong vùng trong khoảng thời gian các tháng hè và đi du lịch xa trong những tháng mùa đông, khi mà khí hậu ở nơi sống của họ không dễ chịu. Vì thế, các nhà kinh doanh du lịch sẽ phải chịu cảnh quá tải khách du lịch vào mùa cao điểm và tình trạng ngược lại rất ít khách vào mùa thấp điểm.
Do tính chất mùa vụ, buộc các nhà kinh doanh du lịch phải tiếp thị, tạo ra càng nhiều nhu cầu càng tốt ở mùa thấp điểm vì chi phí đầu vào củasản phẩm du lịch không thay đổi giữa các mùa. Mặt khác, trong mùa thấp điểm cần phải tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới để thu hút khách như: tổ chức các lễ hội, các sự kiện, các hoạt động thể thao, hội nghị, hội thảo, chữa bệnh, nghỉ dưỡng...
Khách du lịch là một bộ phận cấu thành của sản phẩm du lịch
Trong cơ chế thị trường, “Khách hàng bao giờ cũng là thượng đế” và trong kinh doanh du lịch, khách du lịch là một phần của sản phẩm du lịch. Điều này không chỉ áp dụng đối với khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan mà còn áp dụng với toàn bộ các dịch vụ và hàng hóa tại điểm đến du lịch. Đặc điểm của từng loại khách, sở thích, phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng và khả năng chi tiêu của khách ảnh hưởng tới phong cách phục vụ khách du lịch của các cơ sở cung cấp dịch vụ tại điểm đến. Vì vậy, có thể thấy rằng trong phát triển sản phẩm du lịch, điều quan trọng nhất là phải xây dựng được các sản phẩm, dịch vụ thích ứng với nhu cầu từng thị trường khách du lịch.
Vai trò của các yếu tố trung gian
Giữa điểm đến du lịch và thị trường nguồn khách có khoảng cách (cả về yếu tố địa lý và các yếu tố phi vật thể khác), để kết nối được khách du lịch và điểm đến cần vai trò của các yếu tố trung gian. Đó là các nhà bán buôn, các doanh nghiệp lữ hành và các đại lý du lịch tại thị trường nguồn khách. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sản phẩm, định giá sản phẩm cũng như việc phân phối và tiếp thị sản phẩm. Bằng nghiệp vụ và những hiểu biết, họ biết được các yếu tố nào tại điểm đến sẽ hấp dẫn khách và phải xây dựng sản phẩm như thế nào với giá cả ra sao để có thể bán được cho khách hàng.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, khách hàng có thể dễ dàng tìm được các điểm đến, các sản phẩm du lịch phù hợp với khả năng và sở thích của mình, tuy nhiên, vai trò của các nhà trung gian vẫn đóng một vai trò quan trọng trong các kênh phân phối sản phẩm du lịch. Vì vậy, các nhà kinh doanh du lịch tại điểm đến cần duy trì chặt chẽ mối quan hệ với các hãng lữ hành quốc tế trong việc lập kế hoạch, hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch mới vì họ là những người nắm giữ những nguồn thông tin quan trọng về xu hướng và nhu cầu của các thị trường nguồn khách du lịch.
Châu Anh