Đánh giá thái độ của thế hệ Z về địa vị xã hội của lao động trong lĩnh vực khách sạn Việt Nam
Các khái niệm liên quan
Thế hệ Z là những cá nhân được sinh ra trong giai đoạn 1996 – 2010, là thế hệ tiếp theo của thế hệ Y. Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn bùng nổ internet, thế hệ Z quen thuộc và gắn liền với kỹ thuật số, hay còn gọi là người bản địa kỹ thuật số (digital natives). Vì vậy, thế hệ này còn có tên gọi khác là Net - Generation hay i-Generation. Theo thống kê, thế hệ Z sẽ chiếm 1/3 số lượng dân số trên thế giới. Hiện tại, thế hệ Z đã bắt đầu bước vào thị trường lao động. Việc hiểu được đặc điểm của thế hệ Z là thực sự cần thiết để có thể thu hút được lực lượng lao động được sinh ra trong thế hệ này vào lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Địa vị xã hội là một chỉ số tổng quát xác định vị trí của một cá nhân trong hệ thống các mối quan hệ xã hội. Địa vị xã hội của một cá nhân được hình thành từ nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố nghề nghiệp.
Địa vị xã hội có thể được đánh giá bằng việc một cá nhân có tự hào về nghề nghiệp của mình hay không, các thành viên trong gia đình có yêu thích công việc mà họ đang đảm nhận không và nếu công việc đó được coi là một nghề nghiệp thì nó có được tôn trọng và được coi là quan trọng trong xã hội hay không.
Địa vị xã hội của lao động trong lĩnh vực khách sạn qua đánh giá của thế hệ Z
Để đánh giá địa vị xã hội của lao động làm việc trong lĩnh vực khách sạn, các nhà nghiên cứu trước đó đã sử dụng 5 biến quan sát (số thứ tự từ 1 - 5). Tuy nhiên, để phù hợp môi trường văn hóa - kinh tế - xã hội tại Việt Nam cũng như làm rõ hơn cấu trúc của địa vị xã hội, sau khi thực hiện phỏng vấn hai nhóm sinh viên, tác giả đã bổ sung thêm 3 biến quan sát đo lường địa vị xã hội (số thứ tự từ 6 - 8). Đây là điểm khác biệt so với các nghiên cứu trước đây tại các quốc gia khác và mang đặc trưng cho văn hóa của Việt Nam khi quan điểm, cách nhìn nhận của những người trong gia đình, dòng họ, hàng xóm láng giềng có tác động lớn đến nhận thức, thái độ của một cá nhân trong đó có thái độ và ý định hành vi về nghề nghiệp.
Sau khi thực hiện khảo sát 1.268 cá nhân thuộc thế hệ Z, kết quả phân tích được thể hiện trong bảng sau:
STT | Biến quan sát | Đánh giá của thế hệ Z |
1 | Gia đình sẽ tự hào nếu tôi làm việc trong lĩnh vực khách sạn | 3.04 |
2 | Cảm thấy được xã hội coi trọng nếu tôi làm việc trong lĩnh vực khách sạn | 2.96 |
3 | Mọi người nhận thấy ngành khách sạn có vai trò quan trọng và đóng góp lớn cho Việt Nam | 3.45 |
4 | Tôi chia sẻ với người thân quen sự tự hào nếu làm việc trong lĩnh vực khách sạn | 3.44 |
5 | Tôi thấy tự hào nếu làm việc trong lĩnh vực khách sạn | 3.45 |
6 | Cảm thấy được người thân trong dòng họ coi trọng nếu tôi làm việc trong lĩnh vực khách sạn | 3.03 |
7 | Cảm thấy được bạn bè coi trọng nếu tôi làm việc trong lĩnh vực khách sạn | 3.09 |
8 | Cảm thấy được người quen như hàng xóm láng giềng coi trọng nếu tôi làm việc trong lĩnh vực khách sạn | 2.99 |
Kết quả khảo sát cho thấy, thế hệ Z tại Việt Nam có đánh giá chưa thực sự tốt về địa vị xã hội của lao động làm việc trong lĩnh vực khách sạn. Thế hệ Z cho rằng: xã hội, người thân trong gia đình, dòng họ, bạn bè và hàng xóm láng giềng sẽ không đánh giá cao hoặc không quá coi trọng một cá nhân khi họ làm việc trong lĩnh vực khách sạn. Tuy vậy, một điểm khá tích cực khi thế hệ Z nhận thấy rằng mọi người trong xã hội nhận thấy ngành khách sạn có vai trò quan trọng và đóng góp lớn cho Việt Nam.
Một số gợi ý cải thiện đánh giá của thế hệ Z
Việc thế hệ Z có đánh giá chưa tích cực về địa vị xã hội của lao động làm việc trong lĩnh vực khách sạn sẽ làm giảm ý định làm việc trong lĩnh vực khách sạn của thế hệ Z tại Việt Nam. Vì vậy, để có thể tăng ý định làm việc trong lĩnh vực khách sạn, việc cải thiện đánh giá của thế hệ Z về địa vị xã hội của lao động trong ngành là thực sự cần thiết. Để làm được điều này, việc chia sẻ những thông điệp, hình ảnh tích cực về nghề nghiệp qua các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, báo chí, mạng xã hội… đóng vai trò quan trọng. Những hình ảnh, thông điệp tích cực này nếu thường xuyên được xuất hiện sẽ có ảnh hưởng tích cực đến thái độ của các cá nhân trong xã hội với nghề nghiệp trong lĩnh vực khách sạn để từ đó lan tỏa đến thế hệ Z.
Đối tượng sinh viên đang theo học các chương trình đào tạo về lĩnh vực du lịch và khách sạn là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt. Các chương trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng hoặc trung cấp nghề nghiệp cần quan tâm xây dựng hình ảnh về nghề nghiệp trong lĩnh vực khách sạn. Cùng với đó, cần tăng cường triển khai hoạt động đào tạo định hướng ngay tại các khách sạn để sinh viên có sự tự hào về môi trường làm việc, từ đó tự hào về nghề nghiệp và con đường nghề nghiệp trong lĩnh vực khách sạn. Điều này sẽ giúp nâng cao đánh giá của thế hệ Z về địa vị xã hội của lao động trong lĩnh vực khách sạn, qua đó làm tăng ý định làm việc trong lĩnh vực khách sạn.
Địa vị xã hội của lao động trong lĩnh vực khách sạn là một chủ đề trong nhiều nghiên cứu và cũng là yếu tố nhận được sự quan tâm của các cá nhân và gia đình trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra thế hệ Z có đánh giá chưa tích cực về địa vị xã hội của lao động trong lĩnh vực khách sạn. Điều này cho thấy cần phải triển khai nhiều giải pháp để có thể cải thiện được đánh giá của thế hệ Z tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
1. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030
2. Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn Kusluvan, S., & Kusluvan, Z. (2000), ‘Perceptions and attitudes of undergraduate tourism students towards working in the tourism industry in Turkey’, Journal of Tourism Management, Số 21, tr. 251-269.
3. Wen, H., Li, X., & Kwon, J. (2019), ‘Undergraduate Students’ Attitudes Toward and Perceptions of Hospitality Careers in Mainland China’, Journal of Hospitality and Tourism Education, Số 31, Tập 3, tr. 159–172
ThS. Phạm Thị Thu Phương
PGS.TS. Phạm Trương Hoàng
(Tạp chí Du lịch tháng 3/2023)