Phát biểu Khai mạc Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, TP. Hà Nội có nhiều điều kiện phát triển sản phẩm du lịch golf bởi tài nguyên văn hóa và thiên nhiên đặc sắc, độc đáo; hạ tầng giao thông kết nối được đầu tư bài bản; hệ thống cơ sở lưu trú đẳng cấp với các thương hiệu uy tín như Khách sạn Metropole, Mariott, Intercontinental Hanoi Westlake, Grand Vista... Hà Nội cũng đang sở hữu hệ thống hạ tầng, dịch vụ golf rất chuyên nghiệp với nhiều sân golf tiêu chuẩn như Kings Island Golf, Skylake, Long Biên; cùng các sân tập như Đảo Sen, Hanoi Club… Cùng với đó, TP. Hà Nội có vị trí địa lý thuận tiện cho du khách có thể dễ dàng tiếp cận với hệ sinh thái golf và du lịch thiên nhiên văn hóa độc đáo, ẩm thực phong phú tại các địa phương lân cận như Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, TP. Hà Nội đồng thời có vị trí địa lý và cự ly bay lý tưởng, nằm gần các thị trường golf có mức tăng trưởng cao nhất thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đặc biệt, khí hậu Việt Nam cho phép khách du lịch golf hoạt động cả năm. Do vậy, Hà Nội hiện đang được xem là một địa điểm tiềm năng cho du lịch golf với cảnh quan thiên nhiên và văn hóa độc đáo, hấp dẫn, ẩm thực phong phú, cùng hệ thống sân golf hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế, cơ sở lưu trú đa dạng, chuyện nghiệp, đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, sức hấp dẫn của du lịch không chỉ giới hạn ở một địa phương, một vùng, bởi nhu cầu khám phá điểm đến của du khách luôn rộng mở. Việc tăng cường liên kết giữa các địa phương để tạo thêm các sản phẩm mới bổ trợ cùng với việc phát triển loại hình du lịch golf, sẽ tạo thêm lợi thế cho ngành Du lịch các dịa phương nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng.
Theo Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng, du lịch golf Hà Nội vẫn có hạn chế là chi phí cao, hệ thống đặt dịch vụ cho các đoàn còn khó khăn vì các sân golf vẫn đang ưu tiên khách lẻ. “Các địa phương phát triển du lịch golf cần liên minh, chia, để xây dựng sản phẩm chất lượng, giá tốt” - ông Trương Quốc Hùng kiến nghị.
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến được đưa ra nhằm nghiên cứu, xây dựng, liên kết phát triển và khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch golf Hà Nội nói riêng cũng liên kết với các địa phương trong khu vực phía Bắc. Các ý kiến đều nhận định, để phát triển du lịch golf, Hà Nội cần đẩy mạnh kết nối, liên kết với các địa phương; tăng cường đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng, đổi mới sản phẩm du lịch golf; xây dựng gói sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao, mang lại cho du khách những trải nghiệm hấp dẫn. Bên cạnh đó, nên kết nối du lịch golf với các sản phẩm du lịch khác như MICE, nghỉ dưỡng…; có cơ chế, chính sách quản lý, phát triển, đánh giá xếp hạng sản phẩm… Qua đó, thu hút du khách trong và ngoài nước trong những giai đoạn thấp điểm, từ đó đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội chung của TP. Hà Nội. Đặc biệt, trong ngắn hạn, nên hướng đến các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á; về dài hạn, sẽ mở rộng ra các thị trường tiềm năng như Bắc Mỹ, Australia, Trung Đông…
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang khẳng định, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục tăng cường phối hợp các địa phương, từ đó thúc đẩy du lịch golf phát triển. Đồng thời, xây dựng nhiều sản phẩm trải nghiệm gắn với golf, qua đó kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh: “Các bên phải chung tay xây dựng những gói sản phẩm tốt, quảng bá mạnh mẽ để thu hút du khách. Có khách rồi thì sẽ kết nối với các sản phẩm khác; từ đó, thúc đẩy du lịch phát triển”.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết bảo trợ truyền thông của Sở Du lịch Hà Nội với Báo Tiền phong; ký kết hợp tác phát triển của các doanh nghiệp trong xây dựng, quảng bá và khai thác các sản phẩm du lịch golf.
Đình Phong