Năm 2022, TP. Hà Nội đã tổ chức 172 hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô sau đại dịch COVID-19. Cụ thể, HPA đã phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, đổi mới phương thức tiếp xúc, đối thoại, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, quốc tế mở rộng sản xuất. Đồng thời, giúp doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối đối tác thông qua các chương trình tuần hàng, festival…; quảng bá, xúc tiến phục hồi du lịch qua các lễ hội du lịch, lễ hội ẩm thực… Bên cạnh đó, HPA còn đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố, các tổ chức, đối tác quốc tế như Nhật Bản, Mỹ, Bỉ, Hàn Quốc… để nâng cao kim ngạch xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai một số hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, qua đó quảng bá, xuất khẩu sản phẩm Việt tới thị trường quốc tế, thu hút du khách nước ngoài đến Hà Nội.
Tuy nhiên, theo Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương, mặc dù hoạt động xúc tiến đạt được những kết quả tích cực nhưng trong quá trình triển khai gặp không ít khó khăn khi thông tin, dữ liệu phục vụ công tác xúc tiến thu hút vốn đầu tư nước ngoài như thông tin quy hoạch, giá đất, lao động... chưa đáp ứng được yêu cầu. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, hoạt động xúc tiến do nhiều đơn vị thực hiện dẫn đến dàn trải chưa đi vào chiều sâu, dẫn đến việc kết nối, cung cấp thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xúc tiến còn hạn chế, do trên địa bàn TP. Hà Nội chưa có Trung tâm Hội chợ, Triển lãm có quy mô lớn, kéo theo việc tổ chức hội chợ tầm cỡ quốc tế gặp nhiều khó khăn, thiếu không gian giới thiệu sản phẩm Hà Nội.
Để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2023, TP. Hà Nội dự kiến sẽ triển khai 167 hoạt động xúc tiến, trong đó có 50 hoạt động cấp thành phố. Để hoạt động xúc tiến phát huy được hiệu quả, theo các sở, ngành, thời gian tới HPA cần thay đổi mô hình, cách thức tổ chức theo hướng đổi mới sáng tạo, phù hợp thực tế. Cần tăng cường hoạt động xúc tiến gọi vốn đầu tư từ các thị trường trọng điểm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Mỹ, châu Âu. Đẩy mạnh liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước; phát huy vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế vốn đầu tư nước ngoài... Từ đó, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo nhấn mạnh, hiện Thành ủy Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động đối ngoại, HPA cần lấy đó làm căn cứ lồng ghép các hoạt động xúc tiến tại thị trường quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ, thời gian tới, trong quá trình triển khai hoạt động xúc tiến, HPA nên xây dựng kế hoạch phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của TP. Hà Nội theo hướng dài hạn, phù hợp xu thế chung của quốc tế. “Hoạt động xúc tiến năm 2023 cần triển khai theo hướng có trọng tâm, trọng điểm trong đó chú trọng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tại những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Hà Nội. Đề nghị các sở, ngành đẩy mạnh phối hợp với HPA trong việc tổ chức các sự kiện xúc tiến quốc tế, hạn chế tổ chức sự kiện mang tính dàn trải, hiệu quả thu được không được như mong muốn” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Hoạt động xúc tiến năm 2022 đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TP. Hà Nội đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,3% so với năm 2021; thu hút 1.692 triệu USD vốn FDI, tăng 10,3% so với năm 2021. Ngành Du lịch Thủ đô đã đón 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021; trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 1,5 triệu lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 17,2 triệu lượt. |
Thanh Minh