Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhận định, với sự hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia vào cuộc của các Bộ, Ngành, địa phương, doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành Du lịch đã đạt nhiều kết quả tích cực. Từ ngày 15/3, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Du lịch Việt Nam đã mở cửa toàn diện. Đây là dấu mốc quan trọng của ngành Du lịch Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, đánh dấu sự trở lại của ngành kinh tế mũi nhọn. Tất cả chỉ số của ngành Du lịch hồi phục một cách thần kỳ. Sự bùng nổ lượng khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm đã đạt mục tiêu đề ra cho năm 2022. Lượng khách du lịch quốc tế đã tăng trưởng mạnh mẽ, tháng sau tăng cao gấp đôi tháng trước để có thể tự tin đạt mục tiêu đề ra trong năm 2022. Diễn đàn Kinh tế thếgiới đánh giá Du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc về chỉ số năng lực phát triển du lịch, đứng đầu trong 3 nước tăng điểm cao nhất thế giới. Dù vậy, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng ngành Du lịch cần tìm ra điểm nghẽn, nút thắt; trao đổi, thảo luận, tìm ra giải pháp khắc phục để đạt được kỳ vọng, đưa du lịch nhanh chóng phục hồi và phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị.
Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, TCDL đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị thường xuyên cũng như nhiệm vụ đột xuất theo sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ VHTTDL, đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Trong 6 tháng đầu năm, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 413.400 lượt; tổng số khách du lịch nội địa đạt 60,8 triệu lượt (tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2021; tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019); tổng thu từ khách du lịch đạt 265 nghìn tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã thẩm định 415 hồ sơ cấp, đổi, rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, trong đó cấp mới 312 giấy phép (tăng 286 giấy phép so với cùng kỳ năm 2021), đổi 65 giấy phép, thu hồi 38 giấy phép. Tính đến hết tháng 6 năm 2022, cả nước có 2.415 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (tăng 226 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 886 doanh nghiệp cổ phần, 27 doanh nghiệp liên doanh, 1.498 công ty TNHH, 4 doanh nghiệp tư nhân và 1.060 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa. Các Sở Du lịch, Sở VHTTDL, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao & Du lịch các địa phương đã cấp mới 1.259 thẻ, đổi 215 thẻ, cấp lại 8 thẻ hướng dẫn viên (HDV). Tính đến hết tháng 6 năm 2022, cả nước có 30.837 HDV du lịch đã được cấp thẻ (tăng 2.643 HDV so với cùng kỳ năm 2021) trong đó có 18.831 HDV quốc tế, 10.765 HDV nội địa, 1.241 HDV tại điểm. 46 cơ sở lưu trú hạng 4-5 sao được công nhận, trong đó có 9 cơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao (6 cơ sở công nhận mới) và 35 cơ sở đạt tiêu chuẩn 4 sao (18 cơ sở công nhận mới). Hiện cả nước có khoảng 33.330 cơ sở lưu trú với 667.936 buồng, trong đó có 215 cơ sở 5 sao với 72.546 buồng, 334 cơ sở 4 sao với 44.964 buồng.
Bên cạnh đó, TCDL đã triển khai thực hiện có hiệu quả các công tác xây dựng văn bản, đề án cũng như tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; nhiệm vụ cam kết với Bộ trưởng; công tác triển khai mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới và nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác. Ngoài ra, TCDL cũng đã phối hợp tốt với các địa phương tập trung triển khai phương án mở cửa lại hoạt động du lịch; hoàn thiện, làm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch theo hướng mỗi địa phương có ít nhất 1 sản phẩm du lịch chủ đạo; phối hợp triển khai nhiều hoạt động liên kết du lịch liên tỉnh, liên vùng và bước đầu ghi nhận kết quả tích cực.
6 tháng cuối năm TCDL tập trung báo cáo Bộ trình Chính phủ Quy hoạch Hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; trình Bộ trưởng ban hành “Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực du lịch thuộc Sở Du lịch; Sở VHTTDL; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao & Du lịch”, “Thông tư quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức HDV du lịch”, “Thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí của các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực du lịch”; hoàn thiện và trình Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TCDL”. Thực hiện các nhiệm vụ đề án trọng tâm của ngành: Đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam; Rà soát, điều chỉnh Đề án phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam; Đề án phát triển một số cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế; Đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Dự án chuyển đổi số trong ngành Du lịch; Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026... Chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc về du lịch, dự kiến vào tháng 1/2023; Hội thảo lấy ý kiến về Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Triển khai các hoạt động kết nối thị trường, xúc tiến quảng bá thực hiện Kế hoạch mở cửa thị trường du lịch; Phối hợp tham gia, tổ chức hoạt động xúc tiến, quàng bá giới thiệu du lịch tại các thị trường trọng điểm (ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Tây Âu, Đông Âu, Mỹ, Canada, Úc và New Zealand; Tham gia các Hội chợ du lịch quốc tế WTM, JATA, ITB…); Tổng kết Năm Du lịch Quốc gia Quảng Nam 2022 và phối hợp chuẩn bị tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 do tỉnh Bình Thuận đăng cai; Hỗ trợ Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức mô hình liên kết phát triển du lịch 5 tỉnh...
Tại Hội nghị, các đơn vị thuộc TCDL cũng đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình hồi phục ngành Du lịch, đạt được mục tiêu đón khách quốc tế đề ra trong năm 2022. Vụ Lữ hành cho rằng cần kéo dài thời gian miễn thị thực, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong xuất nhập cảnh. Đồng thời, tăng tần xuất bay tại các đường bay quốc tế đã mở, mở thêm đường bay mới, khôi phục đường bay cũ, giảm thuế phí sân bay; tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao; liên kết doanh nghiệp, điểm đến tạo ra sản phẩm mới; củng cố, nâng cao cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch. Bên cạnh đó, theo ý kiến Vụ Thị trường Du lịch, cần đẩy mạnh kết nối thị trường, tập trung vào thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Tây Âu; mở rộng thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Mỹ; tổ chức giới thiệu Du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm, tham gia các hội chợ du lịch lớn; quảng bá, truyền tải thông điệp sẵn sàng đón khách; đẩy mạnh e-marketing, chuyển đổi số. Các đơn vị cũng đề xuất phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp thông tin cập nhật của Du lịch Việt Nam cũng như cập nhật thông tin du lịch thế giới; hợp tác chặt chẽ với quốc tế, theo dõi biến động của du lịch thế giới để kịp thời đề ra các chính sách ứng phó; tăng cường nghiên cứu thị trường, định hướng sản phẩm; thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kéo dài đến hết năm 2023; xây dựng và hoàn thiện các nền tảng số của TCDL, hỗ trợ các điểm đến, doanh nghiệp áp dụng các giải pháp thông minh...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đánh giá cao nỗ lực của TCDL trong việc tham mưu cho Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Chính phủ để có những quyết sách về những vấn đề chung, góp phần phục hồi Du lịch giai đoạn hiện nay. Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhận định, những kết quả bước đầu trong 6 tháng đầu năm đã đánh giá nỗ lực phục hồi của TCDL, được Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá cao; hoạt động du lịch nội địa sẽ vượt chỉ tiêu, nhưng du lịch quốc tế khó thực hiện; việc kết nối các địa phương, doanh nghiệp đã làm rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về Du lịch. Thứ trưởng đồng thời cho rằng, Du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, điều kiện triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá còn hạn chế; tác động của dịch COVID-19 còn ảnh hưởng đến nhân lực, hạ tầng... khiến chất lượng du lịch bị ảnh hưởng; việc tiếp cận Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vẫn bị hạn chế về thủ tục, cơ chế...
Trên cơ sở kết quả đạt được của 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng yêu cầu TCDL trong 6 tháng cuối năm cần chuẩn bị tinh thần hết sức quyết liệt để thực hiện hoàn thành những công việc, nhiệm vụ được giao. Thứ trưởng lưu tâm TCDL cần tập trung thực hiện việc tổ chức Hội nghị toàn quốc về du lịch mang dấu ấn chiến lược quốc gia; thể hiện rõ quan điểm, chính sách chiến lược thúc đẩy phát triển ngành Du lịch trong giai đoạn mới. “Vấn đề tham mưu chuẩn bị các nội dung, chuẩn bị báo cáo đánh giá, cách đặt vấn đề, tầm nhìn, những định hướng lớn mang tính chiến lược... về Du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 phải được đặt ra hoặc khẳng định tiếp tục ở tầm cao mới�� - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng đồng thời đề nghị TCDL tập trung xúc tiến quảng bá hình ảnh Du lịch Việt Nam ra thị trường thế giới; phối hợp cùng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch rà soát, thống nhất triển khai tốt các nhiệm vụ; thực hiện theo phương châm kết hợp tốt các nguồn lực để quảng bá hình ảnh Du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý TCDL thực hiện Quy hoạch Hệ thống phát triển du lịch Việt Nam, tháng 11/2022 phải báo cáo Lãnh đạo Bộ để trình Chính phủ phê duyệt; tập trung xây dựng các mô hình du lịch mới, du lịch vùng trọng điểm, du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng...; cơ cẩu tổ chức lại bộ máy TCDL.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đã trao Huân chương Lao động Hạng Nhất cho Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ TCDL Lê Tuấn Anh; trao Huân chương Lao động Hạng Nhì cho Nguyên Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương và Nguyên Vụ trưởng Vụ Tài chính TCDL Đỗ Minh Tuấn.
Đây là sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp của các cá nhân cũng như TCDL nói chung trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phước Hà