Huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) là một trong những điểm du lịch hàng đầu được nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn song hiện nay lại đứng trước một thách thức lớn đó là nguy cơ ô nhiễm môi trường biển đảo do lượng rác thải từ sinh hoạt và hoạt động du lịch mỗi ngày thải ra không phải là ít.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, những ngày cao điểm mùa du lịch, mỗi ngày huyện đảo Cô Tô thu gom 15 - 20 tấn rác, trong đó có hơn 1 tấn rác thải nhựa, nhưng công tác thu gom, xử lý chỉ đạt khoảng 20 đến 30%, còn lại phải đốt và chôn lấp.
Trước thách thức về môi trường biển đảo cần được bảo vệ, huyện Cô Tô đã triển khai nhiều giải pháp làm sạch các bãi biển và môi trường sinh thái trong đó có đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”. Theo đó, từ ngày 1/9/2022, với mục tiêu hạn chế rác thải nhựa, huyện Cô Tô đã áp dụng quy định “Du khách không mang chai nhựa, túi nylon, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi tới đảo” kết hợp với nhiều giải pháp làm sạch các bãi biển và môi trường sinh thái. Qua đó, từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn, góp phần phát triển du lịch bền vững.
Trong đó, để đẩy mạnh thực hiện đề án “Huyện Cô Tô nói không với rác thải nhựa”, bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, huyện đã tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp, tiểu thương, các hộ kinh doanh dịch vụ. Cung cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường và tổ chức các hoạt động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận và sử dụng với các sản phẩm thân thiện với môi trường. Qua đó, đã có hơn 1.000 lượt người đến tham quan, mua sắm các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người dân, du khách nhằm giảm thiểu rác thải nhựa xâm hại môi trường thông qua đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”, chính quyền, đoàn thể huyện đảo Cô Tô còn có nhiều hoạt động hiệu quả như: mô hình “Biến rác thành tiền”, mô hình “Hố ủ rác hữu cơ” của Hội Phụ nữ đã và đang phát huy rất tốt vào công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn và cũng đóng góp một phần nhỏ vào công tác an sinh xã hội từ chính nguồn tiền thu được từ rác.
Việc ngăn chặn những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đến môi trường biển đảo chính là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, thiết thực để phát triển du lịch Cô Tô một cách bền vững, gắn phát triển với bảo tồn, phục hồi nguồn tài nguyên, qua đó tạo sự bứt phá cho kinh tế du lịch, bảo đảm sinh kế người dân, đồng thời giữ được cảnh quan, môi trường tự nhiên.
PV