Triển lãm sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ làng nghề Bát Tràng nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nghề và sản phẩm nghề truyền thống xã Bát Tràng phục vụ cho phát triển du lịch. Triển lãm gồm Khu trưng bày sản phẩm mới, thiết kế sáng tạo và làng nghề; Khu trưng bày trung tâm và Khu gian hàng của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, nghệ nhân ngành gốm sứ trên địa bàn huyện Gia Lâm. Triển lãm còn có các hoạt động trình diễn nghề, trình diễn các quy trình sản xuất tiêu biểu; biểu diễn thực cảnh để quảng bá nghề, sản phẩm nghề truyền thống địa phương đến với du khách.
Thông qua Triễn lãm, các tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận, tìm hiểu, kết nối các hoạt động thiết kế sáng tạo; phát huy những ý tưởng, thiết kế ra những mẫu sản phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật đáp ứng và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng. Từ đó, có thể phát triển, hình thành điểm đến về thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Triễn lãm đồng thời là cơ hội tạo liên kết giữa nghệ nhân, đội ngũ thiết kế trẻ với tinh thần khởi nghiệp. Bên cạnh đó, gắn kết các Viện nghiên cứu, Trường Đại học chuyên ngành, tổ chức quốc tế phát huy ưu thế văn hóa địa phương, khát vọng phát triển kinh tế của cộng đồng tại làng nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng, Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề Bát Tràng năm 2023 hứa hẹn là nơi giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu ngành gốm sứ của huyện Gia Lâm nói riêng và TP. Hà Nội nói chung đến với người dân Thủ đô. Triển lãm đồng thời kiến tạo môi trường triển khai hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất kinh doanh làng nghề hình thành và phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề. Đặc biệt là gắn với các hình thức du lịch trải nghiệm, góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn Hà Nội. “Triển lãm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề nói chung, ngành gốm sứ nói riêng. Từ đó, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất - chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” - ông Nguyễn Đình Thắng nhấn mạnh.
Tuấn Sơn