Nắm bắt được nhu cầu đối với sản phẩm và hiện trạng hiện nay là thách thức lớn đối với mỗi một điểm đến du lịch. Điều này có liên quan đến mối quan hệ giữa nguồn tài nguyên hiện có của địa phương với nhu cầu thị trường. Vì thế, một trong những nguyên tắc đầu tiên để phát triển sản phẩm tại điểm đến du lịch, đó là nghiên cứu thị trường.
Nghiên cứu thị trường
Nghiên cứu thị trường là điểm khởi đầu cho tất cả các chu kỳ phát triển sản phẩm du lịch. Nắm bắt được thị hiếu và xu hướng nhu cầu của khách du lịch là một trong những yêu cầu cơ bản nhất để việc phát triển sản phẩm du lịch điểm đến được thành công. Chính vì vậy, không có điểm đến du lịch nào có thể lập được danh mục đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mà không có những yếu tố cơ bản sau:
- Hệ thống thu thập, phân tích và giải thích các số liệu thống kê về du lịch liên quan đến sản phẩm du lịch tại điểm đến. Ví dụ: số lượng khách du lịch xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu, số lượng cơ sở lưu trú tại điểm đến, công suất sử dụng buồng tại các cơ sở, số ngày bình quân khách du lịch lưu lại tại điểm đến...
- Nghiên cứu thị trường cần được tiến hành thường xuyên và đặc biệt tập trung nghiên cứu về quy mô, đặc điểm và xu hướng trong các thị trường nguồn khách lớn.
Bên cạnh việc nghiên cứu về khách du lịch tiềm năng (cầu), cần phân tích và đánh giá cụ thể về các vấn đề:
- Làm thế nào để khách tiềm năng biết về điểm đến và những đối thủ cạnh tranh của điểm đến.
- Xác định thị trường hoặc phân khúc thị trường mà điểm đến hướng tới và xác định tiềm năng của các thị trường hoặc phân khúc thị trường đó.
Các phương pháp tiếp cận thị trường cần phân tích một số yếu tố sau:
- Sản phẩm thị trường đang cần đã có hoặc tồn tại chưa?
- Tổng quan và phân tích về xu hướng thị trường - quốc tế, khu vực, trong nước, trong địa phương và đối thủ cạnh tranh của điểm đến
- Khảo sát khách du lịch, xây dựng bảng hỏi để thu thập ý kiến của khách theo các mùa du lịch tại các điểm đến trong cả nước.
- Phân tích đối thủ cạnh tranh - tập trung vào cách thức, tiêu chuẩn, điểm mạnh yếu của sản phẩm, giá cả, cách tiếp thị…
Hợp tác với các bên liên quan để phát triển sản phẩm tại điểm đến
Tại điểm đến du lịch có nhiều chủ thể, một điều kiện tiên quyết cho việc phát triển sản phẩm thành công là đạt được sự đồng thuận của các chủ thể tham gia. Để đạt được sự đồng thuận, cần tham vấn ý kiến của tất cả các cấp quản lý, khu vực tư nhân, cộng đồng địa phương nơi hoạt động du lịch diễn ra.
Để thống nhất ý kiến và hợp tác đạt hiệu quả cần tuân theo những nguyên tắc:
- Thường xuyên tham khảo ý kiến các bên liên quan ngay từ khi bắt đầu lập kế hoạch.
- Các kế hoạch hành động liên quan đến nhiều bên phải được tham khảo, thống nhất ý kiến các bên, khuyến khích đối thoại liên tục nhằm thúc đẩy hợp tác và lường trước các khó khăn.
- Xây dựng và sử dụng quy chế hợp tác nhằm đạt hiệu quả các công việc.
Tạo ra phù hợp giữa sản phẩm với thị trường
Để sản phẩm du lịch tại điểm đến phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và xu hướng của thị trường, đòi hỏi tăng cường công tác tiếp thị. Công tác tiếp thị không tốt có thể dẫn đến sự phân tán sản phẩm du lịch của điểm đến và làm cho điểm đến không có đủ số lượng các sản phẩm để kích thích khả năng chi tiêu của khách du lịch. Có một số yếu tố làm cho công tác tiếp thị bị hạn chế là:
- Việc thiếu sự phối hợp trong các hoạt động tiếp thị và quảng cáo giữa cơ quan du lịch quốc gia, hiệp hội du lịch, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp.
- Việc hỗ trợ không đầy đủ trong xúc tiến và quảng bá từ các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm đối với ngành Du lịch.
- Sự điều phối yếu kém trong tiếp thị giữa khu vực công và tư dẫn đến sự không gắn kết giữa các sản phẩm du lịch của điểm đến.
- Các kiến thức chuyên môn về du lịch bị giới hạn trong các cơ quan hành chính công cả ở cấp trung ương và địa phương (tỉnh và huyện).
- Thiếu sự phối hợp hiệu quả của khu vực (du lịch) tư nhân.
Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển sản phẩm du lịch tại điểm đến
Mỗi điểm đến du lịch cần xác định sự hấp dẫn chính đã có, tiềm năng mang tính biểu tượng và một loạt các phương tiện hỗ trợ cần thiết để đáp ứng mong đợi của khách du l���ch. Những yếu tố này sẽ xác định rõ ràng mức độ đầu tư cần thiết và cho phép các nhà hoạch định chính sách có đầy đủ thông tin để đánh giá và lựa chọn các phương án đầu tư.
Lựa chọn các dự án đầu tư
Lựa chọn các dự án đầu tư là giai đoạn khởi đầu trong một chuỗi hoạt động phát triển sản phẩm du lịch. Giai đoạn này cần phải xem xét, sàng lọc các cơ hội của dự án đã được xác định và ưu tiên đầu tư. Có một số tiêu chí cần xem xét cơ hội đầu tư của dự án như:
- Liệu những nơi này đã quy hoạch để phát triển du lịch chưa?
- Giao thông thuận tiện không?
- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xã hội như thế nào?
- Liệu điểm đến này có thị trường nguồn khách không và phân khúc thị trường nào?
- Có những điểm đến nào đang cạnh tranh, ở những yếu tố nào?
- Đã thảo luận với cộng đồng địa phương về sự phát triển du lịch và hỗ trợ những gì cho họ?
- Các dự án có tạo công ăn việc làm thiết thực không?
- Dự án có được phát triển một cách bền vững không? Có tác động tiêu cực nào tới môi trường và xã hội của địa phương?
- Làm thế nào để các dự án có khả năng hỗ trợ phát triển bất động sản. Sự phù hợp các dự án như thế nào đối với khả năng hỗ trợ phát triển bất động sản?
Danh mục đầu tư sản phẩm bao gồm cả dự án có mức đầu tư lớn và dự án có chi phí thấp. Điều quan trọng là mỗi dự án trong danh mục cần tính toán được tác động kinh tế làm cơ sở cho chính phủ và chính quyền địa phương hỗ trợ phát triển.
Xác định nhà đầu tư tiềm năng
Những điều mà nhà đầu tư tiềm năng cần từ cơ quan quản trị điểm đến khi lập dự án đó là:
- Sẵn sàng chia sẻ số liệu thống kê và kết quả nghiên cứu thị trường. Cung cấp những thông tin về tiềm năng của điểm đến và nhu cầu thị trường.
- Thành lập bộ phận chức năng hoạt động một cửa để kết nối tất cả các tổ chức, hoạt động trong vùng.
- Tiếp thu tất cả các quan điểm và ý kiến của khu vực tư nhân.
- Đẩy nhanh quá trình phê duyệt các dự án, trên cơ sở thực hiện hài hòa giữa quy hoạch và xây dựng, không phá vỡ hệ thống quy hoạch chung.
- Tạo điều kiện thuận lợi về sử dụng cơ sở hạ tầng, tiện nghi và dịch vụ để các nhà đầu tư tiến hành thuận lợi các công việc trong dự án.
Các nhà đầu tư cần chính là sự chào đón của điểm đến qua việc mời và lắng nghe quan điểm của họ đối với những gì thị trường đang tìm kiếm trong phát triển sản phẩm du lịch.
Các ưu đãi đối với nhà đầu tư
Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch có những đặc điểm sau:
- Vốn đầu tư ban đầu cao.
- Lợi nhuận ban đầu thấp tạo ra những khó khăn về vốn đầu tư các giai đoạn đầu tư mở rộng.
- Ảnh hưởng của một loạt yếu tố ngoại sinh cùng với cạnh tranh tạo ra sự không chắc chắn trong nhu cầu thị trường du lịch cho bất kỳ dự án nào.
Một dự án đầu tư du lịch trong thời kỳ đầu doanh thu thường không bù đắp được hết các chi phí mà nhà đầu tư bỏ ra. Ngoài ra, nhu cầu du lịch phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài và các điểm đến có thể bị suy giảm mạnh mẽ trong thời gian rất ngắn. Vì thế, các ưu đãi và hỗ trợ ban đầu của các cơ quan quản trị điểm đến là rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào du lịch. Ngoài khoản trợ cấp và ưu đãi tài chính, các dự án lớn như khách sạn, trung tâm hội nghị… thường tìm kiếm một số hỗ trợ cụ thể như:
- Bảo lãnh một phần chi phí phát triển tuyến đường mới
- Miễn hoặc giảm thuế trong giai đoạn mới kinh doanh
- Hỗ trợ một số chi phí tiếp thị điểm đến
- Tài trợ cho phát triển và hoạt động của các trung tâm thông tin du lịch, chia sẻ kinh phí với khu vực tư nhân
Hỗ trợ ban đầu từ các khu vực công được đánh giá sẽ mang lại lợi ích cho cả cộng đồng địa phương và khách du lịch, đồng thời cũng giảm chi phí cho việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho địa phương.
Châu Anh